Sáng 8-1, Huyện ủy Hóc Môn tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trên địa bàn. Tham dự có đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy và đại diện lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, các sở ngành TPHCM.
Theo UBND huyện Hóc Môn, những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh, dân số tăng cao, đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Huyện có 1 thị trấn, 11 xã với 79 ấp, 8 khu phố và 1.372 tổ nhân dân, 77 tổ dân phố. Tại các ấp, tổ nhân dân còn có các tổ tự quản như: tổ dân phòng phòng cháy chữa cháy, tổ công nhân tự quản, tổ nhà trọ tự quản… Các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước gồm hơn 3.000 người, với mức từ 500 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo UBND huyện Hóc Môn, quy mô và tổ chức, nhân sự quá lớn trên nhưng hoạt động còn kém hiệu quả, tỷ lệ hộ gia đình tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, tổ dân phố còn thấp, có nơi chỉ đạt 50%; cán bộ, công chức tham gia sinh hoạt tổ dân phố, tổ nhân dân chưa thường xuyên; hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở ấp, khu phố còn yếu, nặng tính hình thức, chưa thu hút được đoàn viên, hội viên…
Thực hiện sắp xếp lại tổ chức, nhân sự dưới xã, phường, thị trấn theo mô hình dưới xã chỉ có ấp (không có tổ nhân dân), dưới phường, thị trấn có các tổ dân phố (không có khu phố), với 3 chức danh gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận và trưởng ấp, tổ trưởng dân phố được đa số đại biểu tham dự hội nghị đồng tình, đánh giá cao, đã tiết giảm đáng kể đầu mối, nhân sự và chi ngân sách thường xuyên phụ cấp cho các chức danh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về mô hình này với quy mô của ấp và tổ dân phố quá lớn, khó quản lý nhân khẩu và công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự đối với một địa bàn đông dân, phức tạp như Hóc Môn sẽ rất khó.
Trưởng ấp 7, xã Xuân Thới Thượng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị chưa nên bỏ tổ nhân dân ở các ấp, có thể phân bổ, sắp xếp lại tổ nhân dân cho hợp lý.
Bí thư Chi bộ khu phố 7, thị trấn Hóc Môn Đào Văn Tài đề nghị xem lại mô hình và cơ cấu, nhân sự của tổ dân phố khi không còn khu phố. “Tổ dân phố tới đây có thể lên tới hàng trăm hộ dân, trong khi chỉ có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó sẽ rất khó quản lý”, ông Tài nêu vấn đề.
Về tổ chức, nhân sự của Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội theo mô hình mới, cũng được các đại biểu dự hội nghị nêu ra với những khó khăn về nội dung, phương thức, kinh phí cho hoạt động… Có ý kiến đề nghị xem xét lại tính hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội, nơi nào, tổ chức nào hoạt động yếu thì thu hẹp lại, hoặc giảm đi để tiết giảm chi phí…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho biết, từ nhiều năm nay, TPHCM áp dụng mô hình dưới xã, phường, thị trấn có 2 cấp trung gian là khu phố, ấp và tổ dân phố, tổ nhân dân. Mô hình này có yếu tố lịch sử, được duy trì một thời gian dài, ngoài ưu điểm đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống chính trị, góp phần truyền tải những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với dân, huy động sức dân, giữ gìn sự bình an ở địa bàn dân cư. Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ những hạn chế, trong đó có đầu mối, tổ chức, nhân sự ngày càng phình ra, kéo theo khoản chi ngân sách thường xuyên quá lớn. Trong khi đó, các địa phương trong cả nước thống nhất theo mô hình dưới xã có các thôn, dưới phường, thị trấn có các tổ dân phố. Chủ trương sắp xếp lại tổ chức và hoạt động dưới xã, phường, thị trấn của trung ương đã có mấy năm nay. Đến thời điểm hiện nay, TPHCM buộc phải thực hiện mô hình mới để đáp ứng với yêu cầu phát triển, gắn công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, phường, thị trấn trực tiếp với dân; nâng quy mô của tổ dân phố và ấp lên theo đặc thù của từng địa phương.
Về hoạt động và chức danh của các đoàn thể chính trị, xã hội trong mô hình mới này không thể giảm, hoặc bỏ. Hoạt động của các tổ chức này sẽ phải đổi mới, tự chủ theo điều lệ của từng tổ chức, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ chi cho các hoạt động không thường xuyên phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.