Lý do được hội này nêu ra là hiện nay sản xuất chăn nuôi trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không có lời, đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt, trong khi giá vật tư đầu vào (nhất là ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi) tiếp tục tăng cao. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu bò… Nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi ngày càng nhiều, trong đó có thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gây áp lực không nhỏ về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Còn giá đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi lại giảm, hoặc lên xuống thất thường, đầy rủi ro.
Thêm nữa, chi phí thú y trong chăn nuôi tại Việt Nam luôn chiếm trên 10% giá thành sản phẩm chăn nuôi, trong khi các nước trên thế giới chỉ chiếm khoảng 3%-5%. Tình trạng giết mổ thủ công vẫn chiếm đến 80%. Hiện có trên 24 nước có đủ điều kiện xuất khẩu thịt các loại vào Việt Nam, nhưng Việt Nam chỉ được 4 nước, vùng lãnh thổ cấp đủ điều kiện xuất khẩu gà đã qua xử lý nhiệt và thịt heo sữa...
Đây là đề xuất hợp lý trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phù hợp yêu cầu tinh giản đầu mối và biên chế hành chính. Mà không chỉ riêng trường hợp của Cục Chăn nuôi và Cục Thú y, nhiều ý kiến cho rằng một số đơn vị có vai trò, chức năng tương tự hoặc không thể tách rời nhau. Ví dụ như Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT cũng cần sớm được sáp nhập, sắp xếp lại để tinh giản guồng máy, giảm bớt thủ tục hành chính, tránh chồng chéo. Bởi, thú y và bảo vệ thực vật là những biện pháp kỹ thuật không thể tách rời quy trình chăm sóc vật nuôi và canh tác cây trồng. Hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ có một cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thú y và trồng trọt, bảo vệ thực vật. Ở cấp địa phương hiện nay cũng đã sáp nhập thành các chi cục chăn nuôi và thú y, chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật. Đây cũng chính là mô hình tổ chức mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thí điểm rất hiệu quả khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Đến nay, các tổ chức và hiệp hội đã hai lần gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7682 ngày 22-10-2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nhưng vẫn chưa thấy Bộ NN-PTNT và các bộ có liên quan phản hồi.