Vận động “mưa dầm thấm lâu”
Tại tỉnh Sơn La, khi được hỏi tại sao không tiến hành thanh lý tài sản với các nhà văn hóa dôi dư sau khi sáp nhập, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, theo quy định thì sẽ có 9 hình thức sắp xếp lại, xử lý tài sản sau sáp nhập, nhưng không cho phép thanh lý đối với loại tài sản là nhà văn hóa. Các nhà văn hóa được đầu tư, xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, như Nhà văn hóa Bản Mòn được xây dựng từ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ (50 triệu đồng) và đóng góp của nhân dân (gần 200 triệu đồng). Trong khi đó, công tác xác lập tài sản sở hữu toàn dân và quy chủ diện tích đất còn hạn chế…
Một khó khăn vô hình khác nhưng lại không dễ vượt qua, là tâm lý của người dân các dân tộc anh em trên địa bàn với phong tục tập quán, nếp sinh hoạt khác nhau. Thực tế, nhiều bản thuộc diện phải sáp nhập với bản liền kề nhưng không đạt được tỷ lệ trên 50% cử tri đồng thuận, nên không thực hiện được. Đó là chưa kể tâm lý ngại xáo trộn của người dân khi phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố khi không còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ…
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La Trần Bình Minh, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, cộng với sự giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho đội ngũ cán bộ cơ sở có liên quan.
Huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) có xã Vĩnh Hòa, dự kiến khi sắp xếp sẽ tách làm đôi, một phần nhập về thị trấn Hồ Xá, một phần nhập về xã Hiền Thành. Việc này khiến không ít người dân lo lắng. Một bộ phận đáng kể cử tri có nguyện vọng nếu sắp xếp thì thực hiện nhập nguyên trạng xã Vĩnh Hòa với một ĐVHC khác (thị trấn Hồ Xá hoặc xã Hiền Thành).
Nhưng xã Hiền Thành vừa được sắp xếp ở giai đoạn 2019-2021, bước đầu đi vào hoạt động ổn định, còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết hết. Trụ sở làm việc, trạm y tế chưa bố trí được ở vị trí trung tâm, chưa hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan cho người dân do thay đổi tên ĐVHC sau khi sắp xếp. Nếu lại có những thay đổi sẽ dẫn đến không ít khó khăn...
Ông Nguyễn Khê (60 tuổi), ngụ xã Văn Thủy (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), băn khoăn: “Không biết đây có phải là lần cuối nhập lại chưa? Chứ mỗi lần nhập cấp xã là mang theo bao nhiêu phiền toái về căn cước, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đi vay vốn bình thường đã khó nay còn khó gấp trăm lần vì giấy tờ điều chỉnh bở hơi tai”…
Hài hòa nhiều lợi ích
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 dự kiến có 33 ĐVHC cấp huyện và 1.327 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chưa tính số ĐVHC thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu).
Điều này đồng nghĩa với việc số lượng cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là khoảng 2.500 người, cấp xã là khoảng 27.900 người và không chuyên trách ở cấp xã là khoảng 16.000 người.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, nghị quyết lần này nêu rõ, khi xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế.
Việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương và thời hạn chậm nhất là 5 năm để có số lượng đảm bảo đúng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC này.
Việc sắp xếp ĐVHC không đơn giản là sáp nhập các ĐVHC “dưới chuẩn”, mà còn phải tính đến các yếu tố khác để đảm bảo thuận lợi cho người dân. Thực tế, để hài hòa nhiều lợi ích khác nhau, có rất nhiều yếu tố phải tính toán. Lựa chọn ĐVHC nào để sắp xếp với lộ trình, phương án hợp lý cũng đang là một bài toán “cân não”. Trường hợp quận Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội, được công luận đề cập đến rất nhiều thời gian qua, là một ví dụ rất điển hình.
Một vấn đề khác cần quan tâm là xác định thời hạn hoàn thành việc xử lý trụ sở công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, sao cho có đủ thời gian tổ chức định giá tài sản và xây dựng phương án phù hợp với thực tiễn địa phương, nhưng cũng không thể kéo dài quá vì cơ sở sẽ xuống cấp, bị bỏ hoang, lãng phí.
Bên cạnh đó, để đảm bảo yêu cầu chế độ, chính sách có tính liên tục, không ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, người dân thì “gói hỗ trợ” 20 tỷ đồng/huyện và 0,5 tỷ đồng/xã từ ngân sách trung ương chắc chắn là chưa đủ (nhưng tổng cộng cũng đã lên tới khoảng 1.323 tỷ đồng, một khoản rất đáng kể đối với ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn). Các địa phương sẽ phải nêu cao tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Một kinh nghiệm khác tại xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cho thấy, việc tách ĐVHC ở miền núi lại mang đến nhiều yếu tố tích cực cho người dân. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thào A Chúng (30 tuổi) hồ hởi nói, con trai anh không còn phải đi học xa như anh ngày xưa.
“Giá hồi ấy được đi học gần như bây giờ, mình đã không bỏ học sớm”, anh Thào A Chúng tỏ vẻ tiếc rẻ. Muốn đến được trường học, lúc trước anh Thào A Chúng phải đi bộ 4 tiếng. Còn muốn đến UBND xã Tà Xùa để thực hiện các công việc hành chính, một người khỏe mạnh thạo đi đường núi cũng phải đi bộ 5-6 tiếng. Năm anh Thào A Chúng 15 tuổi (năm 2008), xã Háng Đồng được thành lập, tách ra từ xã Tà Xùa. Hiện nhà anh Thào A Chúng chỉ còn cách UBND xã Háng Đồng khoảng 3km.
Xã hiện có 5 bản, trên 330 hộ dân, với tỷ lệ đồng bào Mông chiếm trên 97%. Từ một vùng đất không đường, không trường, không trạm, không điện lưới quốc gia ngày nào, giờ đây đường đến Háng Đồng đã bớt khó khăn hơn nhiều, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.