Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, chủ trương nhất quán này một lần nữa được tái khẳng định. Giai đoạn 2019-2021, cả nước đã giảm được số lượng đơn vị cấp huyện và cấp xã chưa từng có trong lịch sử.Loạt bài “Sắp xếp lại để tiến xa hơn, nhanh hơn” mong muốn góp phần phản ánh sâu sát thực tế để các cơ quan, địa phương rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, hạn chế tác động tiêu cực của quá trình sắp xếp.
Theo kết quả giám sát của Quốc hội, giai đoạn 2019-2021, mặc dù dịch Covid-19 tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, tiến trình sắp xếp các ĐVHC vẫn được thực hiện tích cực với hiệu quả rõ rệt.
Mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhờ đó, cả nước đã giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Việc sắp xếp trên góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện; tinh giản biên chế (tính đến 31-12-2022 đã giảm 648/706 người (tỷ lệ 91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện và 7.741/9.705 người (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã); giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng…
Bộ phận một cửa xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình buổi sáng làm việc tại trụ sở xã Văn Thủy, buổi chiều về làm việc tại trụ sở xã Trường Thủy. Ảnh: MINH PHONG |
Cùng đó, không gian phát triển được mở rộng, góp phần tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, quá trình sắp xếp không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, trật tự xã hội được bảo đảm.
Phường Đồng Hải (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), sau 3 năm sáp nhập từ phường Đồng Mỹ với phường Hải Đình, diện mạo đô thị lớn hơn. Ông Cao Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Hải, cho biết: “Cán bộ và nhân dân phường sau khi sáp nhập có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao và đa số cán bộ, nhân dân đều đồng tình, nhất trí với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; thuận lợi khi tỷ lệ nhất trí đạt tỷ lệ cao (hơn 80% đồng ý). Địa hình, văn hóa, truyền thống và đặc điểm dân cư… 2 đơn vị cũ tương đồng nên việc hợp nhất là phù hợp, không dẫn đến xáo trộn nhiều”.
Sơn La là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, người dân tộc thiểu số chiếm trên 82%. Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 3.300 bản, tiểu khu, tổ dân phố. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã thực hiện 6 đợt sắp xếp, sáp nhập bản; qua đó, đã sáp nhập 1.997 bản để thành lập 920 bản (giảm 1.077 bản). Hiện Sơn La còn hơn 2.200 bản. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La Trần Bình Minh, với việc giảm 1.077 bản, toàn tỉnh đã giảm trên 10.000 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng mức hỗ trợ ở bản; giảm trên 5.000 chi hội. Kinh phí tiết kiệm khoảng 79 tỷ đồng/năm.
Quá trình hình thành ĐVHC của huyện Bắc Yên nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đã diễn ra rất nhiều năm, gắn liền với những thăng trầm trong lịch sử dân tộc, vùng Tây Bắc cũng như lịch sử tỉnh này. Việc sắp xếp các ĐVHC không đơn thuần là sáp nhập cơ học các thôn bản, xã lân cận vốn không đạt tiêu chí về diện tích và dân số, giảm chi phí và nhân sự cho bộ máy chính quyền cơ sở, mà còn nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Nhiều vướng mắc, khó khăn
Việc sáp nhập thôn, bản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực, song ông Trần Bình Minh thừa nhận, do những khó khăn đặc thù ở miền núi nên khi triển khai đã nảy sinh một số bất cập trong quá trình hoạt động và sử dụng cơ sở vật chất. Cuối năm 2022, 3 bản Xa Căn, Mai Quỳnh, Nà Viền thuộc xã Mường Bon, huyện Mai Sơn được sáp nhập thành 1 bản mang tên Thống Nhất. Sau khi sáp nhập, nhà văn hóa của bản Nà Viền được chọn làm nơi để tổ chức các cuộc họp chung. Tuy nhiên, chưa lần nào người dân bản Thống Nhất có được buổi họp chung, do đường vừa xa (từ đầu bản đến cuối bản khoảng 5km), đường lại rất khó đi. Hơn nữa, nhà văn hóa này không đủ sức chứa 150 người. Vậy là bản vẫn phải tổ chức các cuộc họp riêng ở nhà văn hóa của các bản cũ.
Nhưng đây không phải trường hợp cá biệt. Theo thống kê của huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), sau khi sáp nhập bản, có 17 nhà văn hóa đủ điều kiện tiếp tục sử dụng, 28 nhà văn hóa không đủ điều kiện, phải xây mới. Các nhà văn hóa thừa sau sáp nhập được giao cho bản quản lý, sử dụng vào việc chung. Song, việc chỉ đạo, điều hành, quản lý sinh hoạt của người dân còn nhiều bất tiện, do mỗi dân tộc có đặc điểm, văn hóa và phong tục tập quán khác nhau.
Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (sáp nhập 2 xã Văn Thủy và Trường Thủy) huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cho biết, sáng làm việc ở trụ sở xã Văn Thủy, chiều về làm việc ở trụ sở xã Trường Thủy Ảnh: MINH PHONG |
Tại phường Đồng Hải (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), ông Cao Thanh Hiền cho biết, công tác cán bộ, công chức sau hơn 3 năm vẫn còn khó khăn. Thời điểm hợp nhất, có tổng số 37 cán bộ, công chức. Sau hơn 3 năm hợp nhất đến nay, phường có 22 cán bộ, công chức. Theo quy định, phường loại 2 vẫn còn dôi dư 1 công chức. Cũng theo ông Hiền, việc hướng dẫn chế độ chính sách cho cán bộ, công chức trước khi hợp nhất là trưởng đoàn thể, sau hợp nhất sang làm phó đoàn thể chưa có quy định rõ chế độ chính sách được hưởng nên gây lúng túng khi giải quyết nội dung này ở phường mới. Việc giải quyết chế độ còn chậm, chưa hướng dẫn rõ ràng nhằm động viên cán bộ tự nguyện về hưu trước tuổi là thiệt thòi lớn cho cán bộ.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy mới được sáp nhập với xã Trường Thủy (cũ) và xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Khó khăn nhất là giải quyết cán bộ dôi dư. Cán bộ 2 xã nhập lại từ 20 người tăng lên 40 người, khiến bố trí vị trí làm việc rất khó khăn. Buổi sáng, cả bộ máy phải làm việc tại trụ sở xã Văn Thủy (cũ), chiều lại làm việc ở trụ sở xã Trường Thủy nên rất bất tiện”.
Kết quả giám sát của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 nêu rõ, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã thời gian qua vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, nội dung chưa đầy đủ, đồng bộ. Số lượng ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định còn nhiều. Việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức dôi dư vẫn tạo sức ép lớn cho các địa phương.
Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong (An Giang) trăn trở, thực tế có tình trạng dôi dư trụ sở khi 2-3 xã sáp nhập làm 1, trong khi ở địa phương vùng sâu, vùng xa việc bán đấu giá không hề dễ. “Hiện vẫn còn những công sở bỏ hoang, không sử dụng, lãng phí, xuống cấp rất nhiều. Chi phí xã hội mà người dân, doanh nghiệp phải bỏ ra sau sáp nhập chưa được lượng hóa”, ông Phong nói. Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, dù đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp sắp xếp, bố trí, giải quyết dôi dư cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp ĐVHC nhưng đến nay, số lượng cán bộ, công chức dôi dư của tỉnh này vẫn còn 60 người.
Theo lộ trình, việc sắp xếp phải hoàn thành trước 31-12-2024, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Bên cạnh đó, hầu hết các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp đang sử dụng 2 trụ sở cũ, chưa có trụ sở mới, do đó chưa tiết kiệm được kinh phí hành chính, việc đi lại giao dịch của người dân gặp khó khăn. Chất lượng đô thị ở một số ĐVHC hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm theo quy định. “Ở Quảng Trị, các thị trấn mới sau khi sắp xếp (như thị trấn Cửa Tùng, thị trấn Diên Sanh) đến nay vẫn chưa đảm bảo cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương ứng loại đô thị theo quy định”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu.