Tại buổi giám sát, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và khó khăn về nhân lực của các trạm y tế. Nhất là trong điều kiện TPHCM có mật độ dân cư đông, nhưng nhân sự tại trạm y tế ít nên rất khó để có thể đảm trách chức năng quản lý sức khỏe người dân.
Cụ thể, theo Thông tư số 3 năm 2023 của Bộ Y tế, định mức số người làm việc tại trung tâm y tế và trạm y tế được xác định theo quy mô dân số. Trong đó định mức số người làm việc của trạm y tế là 5 người/trạm; với trạm y tế trên 6.000 dân, nếu tăng từ 2.000 đến 3.000 dân thì tăng thêm 1 người làm việc. Thực hiện quy định này, TPHCM phải tăng định mức biên chế để bổ sung cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, nhưng sẽ trái với quy định về tinh giản biên chế tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Bên cạnh đó, nhân viên y tế đang chịu nhiều áp lực về tăng khối lượng công việc, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân tăng cao.
Do đó, Sở Y tế TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét, tăng định mức số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách theo quy mô, cơ cấu dân số cho UBND TPHCM để bố trí cho trung tâm y tế và trạm y tế theo Thông tư số 3 của Bộ Y tế. Đồng thời, kiến nghị UBND TPHCM phân bổ biên chế công chức hàng năm phù hợp với khối lượng công việc, chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm bổ sung nhân lực y tế cho trạm y tế theo quy mô dân số đối với Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức góp phần giảm bớt khó khăn, giúp viên chức an tâm công tác…
Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sau thời gian sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, số trường, lớp hiện nay vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, do sự gia tăng dân số cơ học. Sở đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới trường lớp để đảm bảo học sinh có chỗ học đầy đủ. Bên cạnh đó, một số đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối dẫn đến việc dư số lượng cấp phó so với quy định, việc bố trí công tác cho cán bộ, viên chức gặp khó khăn. Các đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn…
Sở GD-ĐT kiến nghị các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ dành riêng cho ngành GD-ĐT để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đúng cơ cấu chuyên môn tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu giáo dục của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông…
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đề nghị Sở Y tế, Sở GD-ĐT cần đánh giá thực chất, toàn diện công tác CCHC để có biện pháp giữ các chỉ số đạt và cải thiện các chỉ số còn thấp, giảm tối đa các khâu trung gian, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong CCHC. Đồng chí nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong CCHC là sự hài lòng của người dân, mà ở đây là của phụ huynh, học sinh và người khám chữa bệnh.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM chia sẻ với những khó khăn của hai sở về cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực cũng như áp lực mà hai ngành gặp phải khi bình quân mỗi năm TPHCM tăng 20.000-30.000 học sinh; bình quân 1 năm có đến 40 triệu lượt người khám chữa bệnh và số giường lưu bệnh khoảng 2 triệu. Đồng chí đánh giá đây là con số rất lớn và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM không chỉ khám chữa bệnh cho người dân TPHCM mà còn các tỉnh thành trên cả nước.
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, TPHCM đang gặp áp lực lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ cho ngành y tế, giáo dục. Vì vậy, TPHCM đang đeo bám, kiến nghị Trung ương cho TPHCM tự chủ về mặt biên chế phù hợp với tình hình thực tiễn, quy mô dân số và dựa trên sự đóng góp cho cả nước.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM nhìn nhận, với việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đây cũng là vấn đề rất khó khăn với quy mô dân số và đô thị phát triển như TPHCM. Bên cạnh đó dù giảm số lượng nhưng vẫn phải đảm bảo sự hài lòng của người dân. Đánh giá đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân đề nghị với những nội dung mới phát sinh cần đảm bảo theo quy hoạch, phải đạt chuẩn. Hai sở cũng cần rà soát các đơn vị có quy mô nhỏ, chưa đạt thì sắp xếp lại theo tinh thần mang lại hiệu quả, sự hài lòng cho người dân và phù hợp với đặc điểm tình hình của từng lĩnh vực.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cũng đề nghị hai sở quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, chú ý việc tuyển dụng bổ nhiệm và thi tuyển chức danh lãnh đạo, bồi dưỡng nâng cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu. Cùng với đó, mạnh dạn đề xuất các nội dung mà UBND, Chủ tịch UBND TPHCM có thể phân cấp, ủy quyền cho 2 sở. Ngoài ra, nếu hai sở nhận thấy có những nội dung có thể phân cấp về cho các cơ quan chuyên môn của quận, huyện thì cũng nên mạnh dạn giao về, nhưng cũng phải căn cứ vào năng lực của các cơ quan. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua lãnh đạo TPHCM rất quan tâm và mạnh dạn trong phân cấp, ủy quyền.