Dự báo nhiều xáo trộn
Có diện tích hơn 211km², quy mô dân số trên 1 triệu người, TP Thủ Đức (TPHCM) từng trải qua 2 lần tách rồi nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) vào các năm 1997 và 2021. Năm 2021, sau khi sáp nhập từ 3 quận thành TP Thủ Đức, đã giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 24 cơ quan chuyên môn, 29 nhân sự cấp trưởng. Tuy nhiên, việc này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi phải tốn khá nhiều thời gian, công sức để thay đổi giấy tờ nhà, giấy tờ tùy thân.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết, nhiều phường thuộc TP Thủ Đức có quy mô dân số rất đông với hơn 100.000 người. Vì vậy, trong thời gian tới, khi thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, TP Thủ Đức sẽ tiến hành sắp xếp và cơ cấu lại với quy mô dân số phù hợp. Thời gian đầu sắp xếp sẽ không tránh khỏi những khó khăn, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Dù vậy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kỳ vọng, qua việc sắp xếp, chính quyền địa phương có quy mô dân số phù hợp sẽ đáp ứng được yêu cầu phục vụ ngày càng tốt hơn.
Không riêng TP Thủ Đức, hiện TPHCM có 6 quận (gồm các quận 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận) và 142 phường thuộc diện phải sắp xếp để đáp ứng các tiêu chuẩn chung của Trung ương. Ngoài ra, TPHCM cũng tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính dưới phường, xã, thị trấn. Sau sắp xếp, dưới phường, xã, thị trấn không còn tổ dân phố, tổ nhân dân mà chỉ còn khu phố - ấp.
Diện tích, quy mô dân số 6 quận của TPHCM thuộc diện sáp nhập (ĐÔNG SƠN tổng hợp) |
Huyện Hóc Môn hiện có 11 xã, 1 thị trấn, 87 ấp - khu phố, 1.449 tổ nhân dân, tổ dân phố. Trong thời gian tới, huyện dự kiến sắp xếp từ 1.536 tổ chức (khu phố, ấp, tổ nhân dân, tổ dân phố) giảm còn 383 khu phố, ấp mới. Lãnh đạo huyện Hóc Môn cho hay, với tổng diện tích tự nhiên hơn 10.943ha, quy mô dân số gần 600.000 người, trung bình mỗi ngày huyện tiếp nhận, giải quyết hơn 70 hồ sơ hành chính, phản ánh, kiến nghị; cấp xã tiếp nhận hơn 200 hồ sơ hành chính, phản ánh, kiến nghị (bao gồm sao y, chứng thực). Ngoài ra, huyện đang thực hiện các chương trình, đề án và công trình trọng điểm. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính được đánh giá là sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nhưng sẽ gây áp lực lớn cho lực lượng làm nhiệm vụ, nhất là ở khu phố, ấp có diện tích lớn.
Cùng quan điểm, lãnh đạo huyện Củ Chi cũng nhận xét rằng việc sắp xếp lại các tổ chức dưới phường, xã sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, nhưng thời gian đầu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn do số lượng nhân lực giảm trong khi công việc sẽ nhiều hơn. Do đó, công tác nắm bắt địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân sẽ phải thay đổi rất nhiều để thích ứng với tình hình mới.
Nghiên cứu kỹ lưỡng, sắp xếp khoa học
Hơn 2 năm trước, gia đình ông Trần Khải Minh, ngụ phường 13, quận 4 đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện các loại giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan sau khi phường 12 và phường 13 (quận 4) sáp nhập thành phường 13. Do đó, trước thông tin quận 4 là một trong 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2030, ông Minh không khỏi lo ngại khi nghĩ đến việc làm lại giấy tờ. “Nên chăng, nếu có sáp nhập thì các thủ tục hành chính cần đơn giản để không ảnh hưởng nhiều đến người dân”, ông Trần Khải Minh nêu ý kiến.
Người dân làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã. Đặc điểm nổi bật của các đơn vị hành chính ở TPHCM là diện tích nhỏ, dân số đông và hoạt động hành chính rất lớn. Với đặc điểm này, thời gian tới, việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ có nhiều khó khăn và phức tạp. Do đó, đòi hỏi TPHCM phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương nhưng phải vừa phù hợp với thực tế của thành phố. Mục tiêu là hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhưng không gây xáo trộn lớn và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 vào ngày 31-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư.
* Không thu phí chuyển đổi các loại giấy tờ khi sắp xếp đơn vị hành chính
Theo UBND TPHCM, thời gian tới, thành phố tập trung xử lý nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả đối với trụ sở của các cơ quan, tổ chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho người dân tại các địa phương thực hiện việc sắp xếp nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
TPHCM tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và không thu phí đối với người dân, tổ chức khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan trong quá trình thay đổi địa giới hành chính, như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, các vấn đề liên quan đến sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ để vay vốn ngân hàng.
* Đồng chí TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy quận 1: Sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp đặc thù địa phương
Quận 1 hiện có dân số khoảng 239.000 người, nhưng mỗi ngày quận có khoảng 1 triệu người đến du lịch, học tập, làm việc. Quận có số lượng doanh nghiệp theo quy mô ở các quận là lớn nhất nước, nên bộ máy hành chính phục vụ bị quá tải.
Để sắp xếp các đơn vị hành chính, căn cứ vào quy định thì quận 1 có 3 phường chưa đáp ứng tiêu chí về số dân (phường Bến Thành, phường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh). Tuy nhiên, mỗi phường này đều có những đặc thù riêng cần tính đến, ví dụ ở phường Bến Thành và các phường xung quanh có hơn 600.000 người đến du lịch mỗi ngày... Quận 1 đang triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, chúng tôi đề xuất cần có sự sắp xếp cán bộ, công chức và cán bộ hoạt động không chuyên trách để phù hợp thực tiễn.
* PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội: Cần tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa
Khi tính toán đến việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính thì ngoài yếu tố về diện tích, dân số, cần tính toán đến yếu tố bản sắc đô thị tương đồng và yếu tố kinh tế. Sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới lúc nào cũng có những chệch choạc nhất định, do đó phải tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Phải truyền thông làm sao để người dân, dư luận thấy được sự cần thiết, chính đáng của việc sắp xếp, sáp nhập, qua việc sắp xếp sẽ tạo sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên cho xã hội, tương lai.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp cũng cần tính đến các rủi ro để tránh trường hợp khi thay đổi không đạt được hiệu quả lại phải quay lại phương án cũ, gây mất lòng tin của nhân dân. Việc thay đổi có thể làm mất đi tên gọi, địa danh gắn với lịch sử, biểu tượng về văn hóa. Chúng ta cần lưu ý có những thứ có thể mua được bằng tiền như những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, nhưng có những thứ không thể lấy gì để mua được, đó là câu chuyện lịch sử. Do đó phải nghiên cứu, tính toán hài hòa để người dân đồng thuận, tránh trường hợp duy kinh tế, duy phát triển mà không tính toán đến khía cạnh về văn hóa, di sản.