Đảm bảo chế độ cho cán bộ, công chức
UBND TPHCM đánh giá, việc giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển và phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Tuy nhiên, đơn vị hành chính mới được hình thành có dân số lớn, diện tích rộng hơn nên công tác quản lý nhà nước sẽ phức tạp hơn. Người dân, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, sau sắp xếp, khối lượng công việc của các đơn vị sẽ nhiều hơn, trong khi chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách không thay đổi nên mục tiêu của công tác sắp xếp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước không cao.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận xét, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là cần thiết để ổn định bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Nhưng để khai thác được lợi thế, nâng cao hiệu quả công việc tại các địa phương sau khi sắp xếp thì phải có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phân tích, trong bối cảnh công việc nhiều, áp lực lớn, điều quan trọng nhất để nâng cao chất lượng nền công vụ, phục vụ nhân dân là phải tạo được động lực cho cán bộ, công chức bằng cách tăng thu nhập, cải cách tiền lương. Cùng quan điểm trên, TS Võ Trí Hảo (chuyên gia luật) đề xuất khoán quỹ lương, khoán biên chế cho thành phố để cán bộ có thu nhập tăng thêm, tối ưu hóa hiệu quả công việc.
Nâng cao chất lượng nền hành chính
Theo đề án của UBND TPHCM, quận Gò Vấp sẽ sắp xếp 8 phường thành 4 phường (giảm 4 phường). Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết, quận đã có đề án sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp để đảm bảo phường mới có số cán bộ phù hợp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vừa tạo điều kiện để cán bộ an tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường. Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Do đó, quận tính toán kỹ để khi điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập phường sẽ ít gây ảnh hưởng nhất.
Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cũng nhìn nhận việc sắp xếp phường sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Trong đó, công tác giải quyết thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng. Vì vậy, quận xác định phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là chuyển đổi số, giải quyết hồ sơ trên không gian mạng để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ThS Đậu Ngọc Linh, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Cán bộ TPHCM), để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tạo được sự đồng thuận cao, trước hết cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền làm rõ từ mục đích, chủ trương, chính sách đến cách làm. Đồng thời, cần nghiên cứu lộ trình phù hợp cho việc chuyển đổi các giấy tờ và khai thác tối đa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến hành tự động chuyển đổi thông tin cho người dân.
ThS Đậu Ngọc Linh phân tích thêm, việc đảm bảo lưu giữ yếu tố văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương khi thực hiện sắp xếp là một nội dung khó, vì sáp nhập đơn vị hành chính phụ thuộc vào vị trí địa lý của các đơn vị hành chính. Do đó, việc cần làm và rất quan trọng là nghiên cứu cụ thể về văn hóa, lịch sử của địa phương khi tiến hành sáp nhập.
Tại các cuộc làm việc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá: Một trong những yếu tố quan trọng trong nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân khi thực hiện sắp xếp là công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Hiện nay, TPHCM đang xây dựng đề án nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Đồng chí đánh giá, đây là một bước đột phá lớn về tổ chức bộ máy, con người và thể chế. Thành phố cũng sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo các địa phương để cải thiện rõ nét về cải cách thủ tục hành chính. Mặt khác, TPHCM đặt mục tiêu sau năm 2025 chuyển hoạt động cơ bản của nền hành chính lên nền tảng số sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân.