Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vấn đề được quần chúng nhân dân quan tâm nhất là việc xem xét, lựa chọn được cán bộ tốt, có tâm huyết, có trình độ để phục vụ nhân dân. Đồng thời, phải có những chế độ, chính sách thỏa đáng hợp lý dành cho những người dôi dư khi sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Đảm bảo quyền lợi sau sáp nhập
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW được nhiều địa phương chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, trên thực tế, lãnh đạo nhiều địa phương đều bày tỏ công việc sắp xếp tuyến huyện, xã gặp nhiều khó khăn vì với điều kiện dân số và địa lý lớn, cần có các đề án cụ thể, tính toán trên nhiều phương diện để nhuần nhuyễn thực hiện, tránh tình trạng “yếu đi” sau sắp xếp. Do vậy, phần lớn các địa phương, trước mắt đều chủ yếu thực hiện sắp xếp lại thôn, xóm và tổ dân phố. Tuy nhiên, công việc sắp xếp ở cấp thấp nhất tưởng chừng sẽ thuận lợi, nhưng thực tế không đơn giản.
Là một trong số những huyện của tỉnh Thanh Hóa có số thôn, xóm được sắp xếp, tinh gọn nhiều nhất, kéo theo số cán bộ ở cơ sở cũng giảm mạnh, ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Triệu Sơn, chia sẻ, ở huyện Triệu Sơn trước khi thực hiện sáp nhập thôn, xóm cũng có một số bộ phận ban đầu chưa đồng tình, không phải vì chống lại nghị quyết mà là thấy việc sáp nhập có thể có nhiều bất cập. Ví như trong xã có 2 thôn đang triển khai xây dựng nông thôn mới, với các mức đóng góp khác nhau, sáp nhập thì việc đóng góp đó tính như thế nào, số cán bộ dôi dư ra sau sáp nhập, tinh gọn giải quyết thế nào?
Do đó, với huyện Triệu Sơn, một trong những giải pháp giải quyết cán bộ sau khi sáp nhập, đồng thời để thúc đẩy cán bộ gần dân hơn, là thực hiện luân chuyển cán bộ (kể cả những người không phải ở địa phương, hay là người ở tuyến huyện cũng được đưa về xã làm lãnh đạo). Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Phong - từ vị trí Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Triệu Sơn, được đưa về làm Bí thư xã Xuân Thịnh, bày tỏ: “Khi xuống làm bí thư xã, tư tưởng của tôi thoải mái, vì Thường trực Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy đã trao đổi tâm tư, nguyện vọng, hơn nữa đảng viên cần gương mẫu. Môi trường làm việc ở xã cũng khác với môi trường lý luận ở trung tâm bồi dưỡng chính trị. Ở cơ sở mới thấy được chủ trương sáp nhập, luân chuyển cán bộ là đúng đắn, có như vậy người cán bộ mới được va chạm thực tiễn để thực hiện công việc của mình...”. Về phía lãnh đạo huyện Triệu Sơn, ông Trần Bình Quân - Bí thư Huyện ủy cho rằng, quá trình “trải nghiệm” của cán bộ ở vị trí mới sau khi sáp nhập cũng chính là điều kiện để các cấp và nhân dân thấy được năng lực thực sự ở người cán bộ. Đợt sáp nhập này là điều kiện để xem xét, lựa chọn người cán bộ thôn, xã tốt, có tâm huyết, có trình độ để phục vụ nhân dân.
Trong khi đó, ông Lại Thế Nguyên - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho rằng, hiệu quả từ công tác sắp xếp lại thôn, tổ dân phố đã có những tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống địa phương. Bên cạnh việc cắt giảm được 9.000 người làm việc ở tuyến thôn, thì một lượng lớn ngân sách cấp thường xuyên cho đội ngũ này cũng được sử dụng hiệu quả hơn. Cùng với đó, đối với việc xử lý nguồn cán bộ dôi dư, Thanh Hóa có chính sách để cán bộ sau sáp nhập không được bầu sẽ hưởng ít nhất 3 tháng phụ cấp lương, nếu cán bộ làm việc trên 30 tháng sẽ có thêm 1 tháng phụ cấp.
Thách thức không nhỏ
Sáp nhập, sắp xếp thôn, tổ dân phố đang được nhiều địa phương triển khai, nhưng về phía người dân và ngay cả cán bộ, đảng viên cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng, băn khoăn về việc có nên sáp nhập thôn, xóm, xã/phường hay không, cho tới công tác quản lý địa bàn dân cư, bố trí cán bộ làm công tác ở thôn, xóm khi số hộ sẽ tăng lên, địa bàn mở rộng; vậy nên công tác quản lý địa bàn đòi hỏi phải lựa chọn được những cán bộ năng động, trách nhiệm, tinh gọn nhưng cũng phải hoạt động hiệu quả.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hóa (một người dân ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bày tỏ, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ sở là cần thiết, nhưng mong rằng cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình, có uy tín để tiếp tục hoạt động trong điều kiện số hộ gia đình đông hơn, địa bàn lớn hơn. Sau khi sáp nhập có những việc phát sinh, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trước những băn khoăn rất chính đáng của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, trong quá trình tổ chức sáp nhập các đơn vị hành chính, thách thức lớn nhất là sắp xếp cán bộ hợp lý. 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3 bí thư; hay nói cách khác, sáp nhập xã, thôn sẽ phát sinh tình huống 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch nên xử lý việc này không chỉ khó khăn mà còn phải bảo đảm sự hài hòa…
Để giải quyết khó khăn, thách thức trên, giải pháp mà Hà Tĩnh đang thực hiện là: những việc đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn thì thực hiện ngay, những việc chưa được quy định rõ thì làm thí điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Điển hình nhất là mới đây, trong cuộc làm việc với Đảng ủy xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà về công tác cán bộ, ông Lê Đình Sơn chỉ rõ, đối với cán bộ ở thôn, cán bộ bán chuyên trách, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất nên để 2 người, tốt nhất là bí thư kiêm trưởng thôn, thậm chí bí thư kiêm trưởng thôn và trưởng ban mặt trận tổ quốc. Đối với cán bộ chuyên trách xã cũng khoán như cách làm ở các thôn, làm sao để tăng chế độ phụ cấp cho người làm việc. Đối với cán bộ công chức xã, sẽ giảm từ 2 người xuống còn 1 người (trước kia văn phòng 2, địa chính 2, văn hóa 2, kế toán 2 thì nay chỉ cần 1). Bí thư tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, cần vận động từ chính trong nội bộ thôn, xã dưới sự chỉ đạo của ban chấp hành, ban thường vụ, xem ai ở, ai đi, ai giảm, nhưng cần có lộ trình phù hợp. Làm không áp đặt, quá gò ép, phải để ý đến tâm tư và nguyện vọng của cán bộ và nhân dân.
Cũng như Hà Tĩnh, Nghệ An gặp nhiều thách thức trong quá trình tổ chức, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ông Hồ Phúc Hợp - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, cho hay, đơn vị hành chính của tỉnh thực hiện sắp xếp áp dụng theo tiêu chí trong Thông tư 09 của Bộ Nội vụ là rất khó. Bởi ở Nghệ An, có những địa phương 10.000 dân, trong khi chỉ có 4km2 lại bắt chia thành 2 xã là rất khó thực hiện được, nhưng nếu sáp nhập cũng cần tính nhiều yếu tố: Huyện Diễn Châu có 39 xã, nếu nhập còn 14 xã; bài toán phải giải quyết là nguồn cán bộ dôi dư, đặc thù của từng xã (như tâm lý, phong tục, dòng họ...)