Tuy nhiên, do đây là một công việc rất hệ trọng và nhạy cảm, có liên quan tới công tác cán bộ nên một số địa phương vừa thận trọng, vừa chủ động triển khai sắp xếp, sáp nhập ở cấp cơ sở là thôn, xóm, tổ dân phố. Kết quả bước đầu đạt được là khá tốt nhưng cũng không tránh khỏi những tâm tư, băn khoăn.
Bất cập quy mô
Là một trong những tỉnh thành ở miền núi phía Bắc, dù số dân không đông nhưng TP Tuyên Quang đang tập trung sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết 18 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để thực hiện chủ trương nghị quyết của Đảng, các xã, phường của TP Tuyên Quang đã rà soát kỹ và tiến hành xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô hộ gia đình theo quy định để thành lập thôn, tổ dân phố mới. Theo kế hoạch, trong năm 2018 và 2019, TP Tuyên Quang sắp xếp, sáp nhập 297 thôn, xóm, tổ dân phố để thành lập 102 thôn, xóm, tổ dân phố mới (giảm 195 thôn, xóm, tổ dân phố).
Tìm hiểu tại một số xã, phường của TP Tuyên Quang khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố, cho thấy sự đồng thuận khá cao từ cán bộ, đảng viên tới quần chúng nhân dân, vì phần lớn mọi người đều nhận thấy sự bất cập, cồng kềnh, không hiệu quả của bộ máy ở thôn, xóm hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Chung, Chủ tịch UBND phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, cho biết, phường có 36 tổ dân phố với gần 3.000 hộ dân. Theo đề án sáp nhập phường, sẽ chỉ còn 9 tổ với bình quân mỗi tổ có trên 300 hộ, thậm chí có tổ sẽ có 400 hộ.
Cùng với đó, tổng số cán bộ bán chuyên trách đang hoạt động ở tổ dân phố là 273 người, sau khi sáp nhập dự kiến sẽ giảm còn hơn 60 người. Còn ông Lê Tiến Thắng - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang nêu rõ, thôn, bản, tổ dân phố không phải là đơn vị hành chính mà phải hoạt động theo cơ chế tự quản, nhưng lâu nay, nhiều nơi vẫn xem đó như một đơn vị hành chính, dẫn tới số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố ngày càng phình ra, mà ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là rất cần thiết và cần phải quyết tâm thực hiện.
Quay trở lại với tỉnh đông dân nhất ở khu vực Bắc Trung bộ là Thanh Hóa, ông Lại Thế Nguyên - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết, trước khi thực hiện triển khai Nghị quyết 18, toàn tỉnh có gần 6.000 thôn, tổ dân phố; trong đó có 5.401 thôn thuộc 573 xã, 570 tổ dân phố thuộc 34 phường và 28 thị trấn; bình quân mỗi thôn, tổ dân phố có 10 cán bộ hoạt động không chuyên trách. So với yêu cầu thực tế, tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố đã bộc lộ những hạn chế và bất cập. Bởi lẽ, qua thống kê, Thanh Hóa có 3.733 thôn, tổ dân phố (khoảng 62%), chưa đạt tiêu chí về dân số theo quy định tại Thông tư số 04 của Bộ Nội vụ. Có nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ, số hộ dân quá ít, thậm chí có thôn chỉ có 13 hộ, 71 nhân khẩu nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp như những thôn, tổ dân số có quy mô lớn. Trước những bất cập trên, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn, tới nay chỉ còn 4.190 thôn, cùng với đó là giảm hơn 9.000 cán bộ bán chuyên trách cấp thôn.
Phải đồng lòng thống nhất
Nghị quyết số 18 đã chỉ rõ: “Việc sắp xếp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ...”.
Đi sâu tìm hiểu quá trình thực hiện chủ trương này tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy bước đầu thực hiện đều có phản ứng, tâm tư của cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hồ Kim Cúc - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, Nghệ An, chia sẻ, mặc dù chủ trương sáp nhập thôn là đúng, nhưng qua thực tế làm thì khó nhất là nhận thức của người dân. Có những làng, những xóm truyền thống từ hàng ngàn năm, tâm tư từ cán bộ xóm không muốn nhập, người dân không muốn nhập, công việc này tốn thời gian vận động bà con, nhưng không thể không làm và phải làm bằng được.
Theo ông Cúc, xã Diễn Hoàng có 7.491 nhân khẩu, trước khi sáp nhập có 18 thôn, sau sáp nhập hiện còn 9 thôn với 1.803 hộ, trong đó có 374 đảng viên. Để việc sáp nhập thôn được thực hiện thành công, theo ông Cúc, ngoài quyết tâm chính trị, vận động nhân dân thì phải lấy tinh thần đảng viên đi trước.
“Ban đầu người dân phản đối mạnh, họ có nguyện vọng chính đáng, không muốn mất tên làng. Do đó chính quyền xã phải vận động lấy tinh thần đảng viên để làm trước và khi Đảng bộ không có ý kiến trái chiều, không có ai phản đối, đó là điều rất đáng mừng vì việc sáp nhập sẽ tăng sức mạnh lãnh đạo của tập thể...”, ông Cúc chia sẻ.
Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chủ trì xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết 18, ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính là yêu cầu tất yếu nhưng quá trình triển khai sẽ phải nghiên cứu kỹ để phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, nhất là trong sáp nhập thôn xóm. Công tác tổ chức bộ máy và con người là hết sức quan trọng, phải nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thật kỹ lưỡng, làm thận trọng, có lộ trình, đảm bảo chắc chắn. Do vậy, quá trình tuyên truyền để nhân dân, cán bộ, đảng viên cùng đồng lòng thực hiện chủ trương là một giai đoạn rất khó khăn, nhưng khi đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân thì chắc chắn sẽ thành công.