Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện- Bài 1: Chủ động đưa nghị quyết vào cuộc sống
SGGP
Nghị quyết triển khai xuống cơ sở phải được thông, từ đó các tuyến cơ sở cũng có những chương trình hành động riêng để thực hiện. Tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp bộ máy là như thế, nhưng khi vận dụng vào từng địa phương phải triển khai cụ thể như thế nào, vì công việc này nhạy cảm và “đụng chạm” nhiều vấn đề.
LTS: Trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nêu rõ mục tiêu đến năm 2021 sẽ sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố.
Từ năm 2021 - 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.Nhóm phóng viên Báo SGGP đã tìm hiểu thực tế tại một số địa phương đang tích cực triển khai chủ trương của Đảng về vấn đề này để làm rõ thêm những thành công và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở.
Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Đề án về sắp xếp các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Đề án xác định 2 giai đoạn thực hiện, với mục tiêu: từ nay tới năm 2021 sẽ sắp xếp lại 16 huyện và hơn 637 xã trong toàn quốc, từ năm 2030 sẽ hoàn thiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong cả nước. Thực hiện mục tiêu trên, nhiều địa phương đang chủ động tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hệ thống hành chính để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nhưng công việc này không hề đơn giản.
Cấp thiết nhưng làm thận trọng
Là một tỉnh có số dân đông thứ 3 cả nước và đặc biệt có số đơn vị hành chính nhiều nhất trong số 63 tỉnh, thành với 27 đơn vị cấp huyện và tương đương, có 579 xã, 30 phường, 28 thị trấn và hàng ngàn thôn, xóm, bản làng nên việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính của Thanh Hóa là cấp thiết nhưng rất khó khăn và phức tạp.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lại Thế Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết, sáp nhập xã, huyện là một vấn đề lớn, cần phải làm kỹ lưỡng và thận trọng. Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, ngay từ cuối tháng 1-2018, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 73, phân rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, quyết liệt thực hiện việc sắp xếp lại. Trước hết, phải làm tốt công tác tư tưởng từ các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trên cơ sở tạo sự đồng thuận, thống nhất quyết tâm cao để thực hiện. Đồng thời, ngay từ đầu phải xác định rõ trách nhiệm các cấp đến đâu, các đơn vị phải chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, có lộ trình và thời gian phù hợp.
Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng là địa phương sớm ban hành Kế hoạch số 97, ngày 23-11-2017 về tổ chức, học tập, quán triệt Nghị quyết 18. Ông Hà Văn Thạch, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết, trước khi có Nghị quyết 18 của Trung ương, Hà Tĩnh đã chủ động ban hành một số chủ trương, nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh.
Với tỉnh Nghệ An, việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính, chính quyền ở một số đơn vị cấp huyện, xã và thôn cũng đang từng bước được triển khai nhưng khá thận trọng. Ông Hồ Phúc Hợp, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, chia sẻ việc sắp xếp các đơn vị hành chính vì là chủ trương lớn nên Nghệ An thực hiện có kế hoạch, có chiến lược. Nghị quyết triển khai xuống cơ sở phải được thông, từ đó các tuyến cơ sở cũng có những chương trình hành động riêng để thực hiện. Tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp bộ máy là như thế, nhưng khi vận dụng vào từng địa phương phải triển khai cụ thể như thế nào, vì công việc này nhạy cảm và “đụng chạm” nhiều vấn đề.
Những tín hiệu khả quan
Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương cần chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện, không nhất thiết làm bằng mọi giá, có tính tới các yếu tố văn hóa, lịch sử, địa lý. Để làm rõ hơn việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18 tại cấp cơ sở, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), là địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố.
Ông Tăng Văn Luyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Diễn Châu, cho biết, theo đề án sắp xếp của huyện, đến tháng 5-2018, tổ chức bộ máy trong toàn huyện có 127 cơ quan, đơn vị, trong đó cấp huyện có 14 cơ quan với 30 đầu mối phòng, ban trực thuộc và tương đương; cấp xã có 39 xã, thị trấn; 115 trường học với 334 tổ bộ môn. Cùng với đó, toàn huyện có 449 khối, xóm. Về biên chế hiện có của toàn huyện, đến tháng 5-2018 có 4.720 người, trong đó cấp huyện 159 người, cấp xã 870 người, các đơn vị sự nghiệp 3.691 người. Với lực lượng bộ máy như vậy, chi ngân sách Nhà nước năm 2017 là hơn 936 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên khoảng 714 tỷ đồng; năm 2018 là hơn 921 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 732 tỷ đồng.
Trước bộ máy khá lớn như vậy, bước đầu, huyện Diễn Châu đã tiến hành sắp xếp thống nhất mô hình cấp huyện chỉ có 1 trung tâm y tế đa chức năng; sáp nhập Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện; sáp nhập phòng y tế vào Văn phòng HĐND - UBND huyện. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm đáng kể. Năm học 2018 - 2019, sáp nhập Trường THCS Diễn Phú và Trường THCS Diễn Lợi thành Trường THCS Phú Lợi. Dự kiến, đến năm 2025, toàn huyện sáp nhập còn 90 trường, giảm tiếp 13 trường và đến năm 2030, toàn huyện còn 80 trường (giảm 10 trường). Đối với cấp xã, huyện Diễn Châu phấn đấu đến năm 2020, sáp nhập còn 35 xã, thị trấn (giảm 4 xã).
Cùng với đó, huyện đang từng bước sáp nhập các khối, xóm, thôn chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định với mục tiêu tới năm 2021 toàn huyện còn 243 xóm, giảm 206 xóm. Cùng với việc sáp nhập các đơn vị hành chính, cơ quan có chức năng tương đồng, Diễn Châu cũng đẩy mạnh tinh giản biên chế với giải pháp đưa ra là bố trí kiêm nhiệm, nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, giảm cấp trưởng, cấp phó, giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước hiện còn 231/282 người (giảm 51 người). Lộ trình đến năm 2021, sẽ cắt giảm tài chính, ngân sách Nhà nước một lượng đáng kể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngược trở lại với huyện Triệu Sơn, đây là một trong những huyện có quy mô sắp xếp, quy hoạch lại các đơn vị hành chính lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Triệu Sơn, cho biết, toàn huyện có 385 thôn, xóm, tổ dân số với hơn 53.000 hộ dân. Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 10,7 thôn, xã, nhiều nhất có 18 thôn, xã ít cũng 6 thôn. Bình quân mỗi thôn có 138 hộ, thôn nhiều nhất có 584 hộ và thôn ít có 34 hộ. Với quy mô như vậy, toàn huyện Triệu Sơn có 2.283 người hoạt động không chuyên trách ở thôn. Như vậy, theo quy định, cần phải sắp xếp lại thôn, tổ dân phố cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quá trình sắp xếp lại thôn ở Triệu Sơn tiến hành theo từng bước và kết quả hiện đã giảm được 131 thôn, toàn huyện chỉ còn 254 thôn. “Sau khi huyện đã giảm được 131 thôn, nhiều công việc trở nên thuận tiện hơn. Kết quả ban đầu, giảm được một lượng lớn cán bộ, nhất là ở cấp thôn; trung bình mỗi thôn giảm 5 cán bộ bán chuyên trách. Tính sơ qua, nếu như mỗi thôn giảm được 5 cán bộ, thì giảm 131 thôn sẽ giảm được gần 700 cán bộ, mỗi tháng giảm khoảng 560 triệu đồng tiền lương từ ngân sách, giảm được 6-7 tỷ đồng/năm...”, ông Dũng tính nhanh.
Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Triệu Sơn cũng không khỏi băn khoăn cho biết, khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính ở cấp cơ sở, khó khăn lớn nhất chính là sự đồng tình của nhân dân, nếu làm không tốt thì không làm được. Sự đồng thuận của người dân phải ở cả 2 thôn sáp nhập, chứ không chỉ 1 thôn. Tỷ lệ đồng thuận phải đạt trên 50% mới tiến hành gộp thôn. “Việc này phải làm từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung công tác tuyên truyền, chỗ nào tư tưởng thông thì làm trước. Đầu tiên, phải giải thích cho dân biết là bộ máy đang phình to, chi phí ngân sách cho bộ máy lớn, không còn tiền chi phí cho đầu tư, đóng góp của nhân dân để xây dựng làng xã, nếu ít hộ thì khó khăn. Tất nhiên, việc sắp xếp này không tránh được những phản ứng ban đầu của người dân...”, ông Dũng chia sẻ.
Việc chủ động thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh đã mang lại cho Hà Tĩnh những kết quả ngoài mong đợi. Cụ thể, đến năm 2016 đã giảm được 24 đơn vị hành chính; đã chuyển giao, phân cấp 7 loại đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành cấp tỉnh về UBND cấp huyện quản lý. Đã giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp, thành lập 58 trường học liên xã, giảm 167 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 40 ban quản lý dự án cấp tỉnh và cấp huyện; đồng thời giảm được 323 biên chế do ngân sách Nhà nước trả lương thường xuyên, tiết kiện hàng năm trên 27 tỷ đồng.