Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thường trực Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI.
Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP.
Sau 5 năm tổ chức, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ngày càng nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà xuất bản trong nước và nhiều tác giả đến từ các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, góp phần quảng bá, lan tỏa những thành tựu chính trị - đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước; giới thiệu đất nước Việt Nam năng động, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và là thành viên tính cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Năm 2018, Ban Tổ chức đã nhận được khoảng 1.000 tác phẩm gửi dự thi, gồm các loại hình báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách với 13 ngôn ngữ gồm: tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Khmer, Lào, Mông Cổ.
Đối tượng tham gia Giải thưởng đa dạng, gồm các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia...
Chất lượng chuyên môn của các tác phẩm ngày càng được nâng cao. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, ý tưởng, chủ đề đặc sắc, phương pháp thể hiện sáng tạo, ứng dụng công nghệ báo chí điện tử hiện đại, tạo nên những sản phẩm sinh động, hấp dẫn.
Thông qua chương trình nhằm quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020…; đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trước yêu cầu mới của đất nước, trong đó lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản cụ thể và các phương án định hướng thông tin tuyên truyền ở từng cấp độ, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, củng cố vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.