Sáp nhập phường tại TPHCM: Đa phần cử tri đồng thuận

Ngày mai 3-10, cử tri 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận (TPHCM) được lấy ý kiến về sáp nhập các đơn vị hành chính nơi mình cư trú.  Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, các khâu chuẩn bị cho việc lấy ý kiến đã hoàn tất. Dù vẫn có băn khoăn về một số vấn đề sẽ nảy sinh, nhưng đa phần cử tri bày tỏ tán thành với chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Cử tri phường 12, quận Phú Nhuận xem danh sách tại điểm bỏ phiếu UBND phường. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Cử tri phường 12, quận Phú Nhuận xem danh sách tại điểm bỏ phiếu UBND phường. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Tập trung tuyên truyền

Gần 21.000 cử tri của phường 2 và phường 3 (quận 10) sẽ được lấy ý kiến về việc sáp nhập 2 phường để thành lập phường mới (đề xuất lấy tên là phường 2). Từ ngày 17-9, UBND phường 2 và phường 3 đã niêm yết danh sách cử tri tại 13 địa điểm trên địa bàn. Số lượng cử tri được cập nhập thường xuyên và chốt danh sách vào ngày 2-10. Bên cạnh đó, những ngày qua, phường 2 và phường 3 tập trung vào tuyên truyền, vận động người dân về việc lấy ý kiến cử tri. Ông Hoàng Quốc Tâm, Chủ tịch UBND phường 3 (quận 10) cho biết, nhiều hội nghị, cuộc họp đã được tổ chức tại khu phố, tổ dân phố để thông tin, tuyên truyền đến cử tri về sự cần thiết sáp nhập 2 phường, phương án sáp nhập, quyền và nghĩa vụ của cử tri. Phường cũng thành lập 3 tổ lấy ý kiến cử tri, phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình cũng như kịp thời ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Trong ngày 3-10, tổ lấy ý kiến cử tri tại từng khu phố gửi biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu và biên bản kết quả kiểm phiếu về UBND các phường. UBND phường tổng hợp báo cáo cho HĐND phường và UBND quận (trước ngày 5-10), để quận báo cáo HĐND quận và UBND TPHCM (trước ngày 7-10). Theo kế hoạch, trước ngày 9-10, UBND TPHCM sẽ báo cáo kết quả này đến HĐND TPHCM và Chính phủ. Sau khi lấy ý kiến cử tri, nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành, từ ngày 9-10 đến 12-10, HĐND các cấp có liên quan thảo luận, biểu quyết chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.


Để chuẩn bị cho ngày lấy ý kiến về việc sáp nhập phường 5 và phường 2 (quận 4), UBND phường 5 đã niêm yết bản đồ địa chính các phường sẽ sáp nhập cũng như danh sách cử tri để người dân theo dõi. Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch UBND phường 5 (quận 4), từ ngày 25-9, phường đã triển khai đến các khu phố, tổ dân phố để rà soát và phát phiếu ý kiến đến cử tri. Còn tại phường 12 (quận 4), ngoài các buổi họp tổ dân phố, gửi tờ tuyên truyền đến dân, lập tổ lấy ý kiến cử tri, phường còn phát loa nội dung về việc sáp nhập phường tại trụ sở UBND phường, khu phố và chợ Xóm Chiếu. Phường 12 có 4.457 cử tri và đến nay công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Hoài Đức, Chủ tịch UBND phường 15 (quận 5), phường có khoảng 10.000 cử tri, khoảng 70% dân số là người Hoa. Phường đã lập 5 tổ lấy ý kiến cử tri ở 5 khu phố, 55 tổ dân phố, trực tiếp ghi nhận và giải đáp các thắc mắc của cử tri liên quan đến vấn đề này. Tại các tổ dân phố, khu phố cũng diễn ra hội nghị lấy ý kiến cử tri. Ở quận Phú Nhuận, công tác chuẩn bị lấy ý kiến hơn 30.000 cử tri bằng phiếu tại 4 phường 11, 12, 13, 14 đã sẵn sàng.

Đồng thuận vì hợp lý

Gần 2 tuần nay, “sáp nhập” trở thành đề tài quen thuộc trong những cuộc chuyện trò của người dân ở các phường thuộc diện sắp xếp. Theo đề án, phường 12 và 15 (quận 5) sẽ được sáp nhập với tên mới là phường 12. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số ý kiến cử tri trên địa bàn đồng thuận việc sáp nhập. Cử tri cho rằng 2 phường nhập làm 1 mà diện tích cũng chưa đầy 1km2, để 2 phường riêng biệt thì diện tích quá nhỏ. Phường nhỏ, trụ sở, nơi sinh hoạt cộng đồng cũng nhỏ. Rồi mỗi phường lại làm kế hoạch riêng để phát triển. Nếu phường lớn hơn, biên chế sẽ giảm mà làm cái gì cũng “ra tấm ra món” hơn. 

Nhiều cử tri ở phường 2 và phường 3 (quận 10) cũng có suy nghĩ tương tự. “Hiểu được vì sao cần sáp nhập 2 phường, các hộ dân trong cao ốc tôi đang ở đều đồng tình. Phường 3 diện tích nhỏ, dân ít nên sáp nhập là hợp lý”, bà Phạm Thị Thanh Thúy (chung cư Ngô Gia Tự, phường 3 quận 10) bày tỏ. Tương tự, đa phần người dân các phường 11, 12, 13, 14 (quận Phú Nhuận); phường Bình An, Bình Khánh, An Phú, Thủ Thiêm (quận 2) đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập phường.

Cử tri phường 5, quận 4 tìm hiểu về bản đồ hành chính các phường sau sáp nhập
Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Theo kế hoạch, ngày 3-10 là thời hạn cuối cùng phải hoàn tất lấy ý kiến cử tri, nhưng đến thời điểm này, nhiều cử tri tại 4 phường của quận 2 đã có ý kiến vào rồi gởi trả lại phiếu cho phường. Qua khảo sát bước đầu, lãnh đạo các phường cho biết người dân đồng tình với việc sắp xếp. Dù vậy, các cử tri cũng cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ khi phải điều chỉnh lại giấy tờ sau khi sáp nhập. “Điều tôi còn lo nghĩ chính là sau sáp nhập sẽ được hỗ trợ người dân làm các loại giấy tờ liên quan ra sao”, ông Trần Thanh Tuấn (phường 5, quận 4) nêu vấn đề.

Kết quả ghi nhận tâm tư cử tri ở phường 15 (quận 5) cho thấy vấn đề lớn nhất người dân quan tâm vẫn là việc làm lại các giấy tờ sau khi sáp nhập. Từ đó một số cử tri đề xuất cơ quan hành chính, cơ quan công an tổ chức các đợt đến nhà giải quyết việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cho người dân bị ảnh hưởng hoặc giải quyết ngoài giờ hành chính tại trụ sở phường; đồng thời Nhà nước không thu phí khi người dân chỉnh sửa các loại giấy tờ do việc thay đổi tên phường.

Còn băn khoăn tên phường

Bên cạnh những thắc mắc về thay đổi giấy tờ, không ít cử tri băn khoăn về tên phường được đề xuất sau khi sáp nhập. Đồng thuận với chủ trương sáp nhập phường 12 và 13 (quận 4), nhưng bà Lê Ngọc Thu (phường 12) cho rằng nếu chỉ xét vì phường nào đông dân hơn, diện tích lớn hơn để đặt tên thì hơi cứng nhắc. “Ở phường 12 có Bến Nhà Rồng là di tích lịch sử lớn, nơi lưu niệm, thờ Bác Hồ tại miền Nam và nhiều cơ quan hành chính của quận, vậy nên chăng giữ lại tên phường sau sáp nhập là phường 12 thay vì 13. Ngoài ra, bên kia cầu Khánh Hội phía quận 1 có phường Bến Nghé, bên này sao không đặt tên là phường Bến Nhà Rồng”, bà Thu nêu ý kiến.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga (phường Bình An, quận 2) phân tích, tên gọi mang rất nhiều ý nghĩa, vừa thể hiện tầm vóc, vừa định vị và tạo động lực cho phát triển. Lâu nay, phường Bình An được đánh giá là phường “top” của quận 2 thì nên cân nhắc lấy lại tên phường này sau sáp nhập, vừa hạn chế xáo trộn, vừa thể hiện được ý nghĩa, xu thế phát triển. Lãnh đạo các phường An Khánh, Bình An (quận 2) cũng chia sẻ, tên gọi các phường mới là nội dung được nhiều cử tri quan tâm. Chẳng hạn tên phường mới An Khánh (từ việc sáp nhập phường Bình An và phường Bình Khánh) dễ tạo nhầm lẫn giữa tên cũ (phường An Khánh hiện hữu dự kiến sẽ sáp nhập với phường Thủ Thiêm - PV) với tên mới và gây ra nhiều phiền toái về sau.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng đề xuất, khi sáp nhập 2 phường thành một thì cần lấy tên phường mới là một trong 2 phường được sáp nhập để hạn chế thấp nhất xáo trộn đến người dân. Bên cạnh đó, người dân ở các địa phương khác cũng nêu nhiều ý kiến về việc chọn đặt tên phường mới. Ở quận 5, cử tri phường 15 (sẽ sáp nhập với phường 12), đề nghị xem xét lại việc lấy tên phường 15, thay vì phường 12. Căn cứ lấy tên cần dựa vào thực tế số dân đông (phường 15 đông hơn phường 12) cũng như thống kê địa bàn nào có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hơn để quyết định lấy tên mới, hạn chế nhiều doanh nghiệp phải đổi tên sẽ phiền hà.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021, quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm (dự kiến thành phường Thủ Thiêm), nhập phường Bình Khánh và Bình An (thành phường An Khánh); quận 3 nhập phường 6, 7, 8 (thành phường Võ Thị Sáu); quận 4 nhập phường 2 và 5 (thành phường 2), nhập phường 12 và 13 (thành phường 13); quận 5 nhập phường 12 và 15 (thành phường 12); quận 10 nhập phường 2 và 3 (thành phường 2); quận Phú Nhuận nhập phường 11 và 12 (thành phường 11), nhập phường 13 và 14 (thành phường 13).

Sau khi sáp nhập (gồm cả việc sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức), TPHCM sẽ giảm từ 24 quận, huyện còn 22 (gồm 16 quận, 1 thành phố, 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).


Tin cùng chuyên mục