Sáp nhập huyện, xã theo lộ trình, giảm tác động đến người dân

“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Trung ương 6 (khóa XII) nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tin giản biên chế, giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động này cũng sẽ gây tác động người dân nên phải thực hiện theo lộ trình, có giải pháp giảm thiểu tác động”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh khi trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng bên lề hội thảo ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021 diễn ra ngày 17-7 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo HĐND, UBND và Sở Nội vụcác tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Sáp nhập huyện, xã theo lộ trình, giảm tác động đến người dân ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với PV Báo SGGP 

Xem xét đặc thù, không làm máy móc

* Phóng viên: Từ trước đến nay, nước ta đã có nhiều lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp và gây ra nhiều xáo trộn cho người dân. Vì sao lần này lại có chủ trương thực hiện sắp xếp trên cả nước?

* Thứ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN ANH TUẤN: Quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đều nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song, thực tế đã phát sinh nhiều hạn chế như việc tăng đơn vị hành chính các cấp khiến bộ máy Nhà nước càng cồng kềnh; tăng biên chế và làm tăng quỹ tiền lương. Ngân sách cũng thêm gánh nặng cho xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc và chi thường xuyên. Cùng với đó là việc gây khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy mô dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán nguồn lực. Điều này ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng của cả nước; đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân.

Mục đích của việc sắp xếp lần này nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm bớt gánh nặng của Ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến theo hướng, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về dân số, diện tích thì từ nay đến năm 2021 phải sắp xếp lại. Việc sắp xếp này là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Trung ương 6 (khóa XII).

* Từng địa phương có những đặc thù riêng, như TPHCM có phường, quận dù không đủ tiêu chuẩn về diện tích nhưng dân số lại rất đông. Do đó, nếu chỉ xét trên tiêu chí diện tích và dân số thì liệu có phù hợp không, thưa ông?

 Việc sắp xếp, sáp nhập theo quan điểm là phải thực hiện đúng tiêu chuẩn song có tính đến đặc thù của từng địa phương, có yếu tố vùng miền chứ không máy móc mà có tính đến những đặc thù của từng địa phương, gắn với đặc điểm đô thị, nông thôn, biên giới, hải đảo. Theo đó, một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên hoặc dân số không đạt 50% theo quy định nhưng tiêu chuẩn còn lại đạt từ 150% thì chưa xem xét sắp xếp, sáp nhập. Ví dụ, ở một số khu vực đô thị có một số quận, phường không đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên nhưng dân số cao hơn rất nhiều như quận Ba Đình (Hà Nội), quận 1 (TPHCM); phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phường Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM) hoặc các tỉnh miền núi, diện tích mỗi huyện, mỗi xã thì rất rộng nhưng dân số thì không nhiều, nếu chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn diện tích và dân số mà sáp nhập sẽ không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và trở ngại trong công tác quản lý.

Thực hiện theo lộ trình, đảm bảo đồng bộ


* Khi sắp xếp, đặc biệt sáp nhập sẽ gây tác động lớn về nhiều mặt, làm xáo trộn lớn đến đời sống người dân. Những giải pháp nào giảm thiểu những tác động, xáo trộn này, thưa ông?

* Tính đến 30-4-2018, cả nước có 259/713 (chiếm 36,33%) đơn vị hành chính cấp huyện và 6.191/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 55,46%) đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Trong bối cảnh thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, việc giao tiếp giữa người dân với các cơ quan hành chính sẽ thuận lợi hơn. Đây là cơ hội để chúng ta sắp xếp lại các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số.

Trong khi, sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn sẽ làm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, qua sắp xếp còn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo chính quyền hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động lớn đến hoạt động quản lý Nhà nước cũng như tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, sáp nhập. Cùng với đó sẽ gây xáo trộn đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân do thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ.

Do đó, việc sắp xếp phải thực hiện theo lộ trình, trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn từng vùng, miền, địa phương. Bộ Nội vụ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và xây dựng đề án khung với giải pháp và lộ trình thực hiện thích hợp. Từ đó, từng địa phương sẽ xây dựng đề án cụ thể với phương án sắp xếp đội ngũ, chuẩn bị các điều kiện để khi thành lập đơn vị hành chính mới (từ việc sáp nhập) thì sẽ giảm bớt ảnh hưởng, xáo trộn đến người do thay đổi địa chỉ, nơi thường trú hay các vấn đề khác. Đồng thời, các địa phương cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân thuận lợi hơn. Song song đó, Bộ Nội vụ đề xuất có sự tham gia của các bộ ngành nhằm đảm bảo sự đồng bộ khi thực hiện.

* Ông đánh giá gì về những khó khăn trong quá trình thực hiện vì khi sáp nhập sẽ làm không ít cán bộ, công chức “mất ghế”?

* Bên cạnh sự tác động đến người dân, khi sắp xếp, đặc biệt là sáp nhập sẽ tác động không nhỏ đến cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế, khi chia tách thì dễ được đồng tình bởi một số cán bộ, công chức sẽ có “vị trí”, có cơ hội phát triển. Song, khi sáp nhập có thể sẽ gặp khó khăn vì một số sẽ được lựa chọn tiếp tục công tác, một số sẽ được điều chuyển công tác khác, một số sẽ phải giải quyết chế độ, chính sách cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vấn đề là cần có chính sách phù hợp với số cán bộ, công chức này. Thực hiện điều này, một số cán bộ, công chức có thể chưa thông nhưng nếu sáp nhập mà tạo thuận lợi cho người dân, cho sự phát triển chung của cả nước, tôi tin người dân sẽ ủng hộ.

* Xin cảm ơn ông! 
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM TRƯƠNG VĂN LẮM:  Theo tiêu chí, TPHCM bị động khá lớn 

Trước khi có Nghị quyết Trung ương 6, TPHCM đã có ý định và cụ thể hóa ở đề án xây dựng chính quyền đô thị ở TPHCM, sắp xếp các quận huyện ở 4 thành phố vệ tinh. Gần đây TPHCM cũng có đề án sắp xếp lại phường xã và các tổ chức dưới phường xã (ấp, tổ dân phố).

Theo đề án của Bộ Nội vụ, TPHCM sẽ 3/24 quận - huyện và có 128 phường phải sắp xếp (xã không có). Đây là số khá lớn. Một quận của TPHCM có diện tích không bằng tiêu chuẩn quy định nhưng nếu sắp xếp để đạt “50% diện tích của tiêu chuẩn” (là 5,5km2) thì TPHCM phải sắp xếp với quy mô rất lớn. Vì vậy, tôi đề nghị sau khi sắp xếp thì có một tiêu chuẩn sau khi sắp xếp không đạt 50% nhưng tiêu chuẩn còn lại sẽ đạt từ 20% trở lên chứ không phải 150% như đề án.

Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ khó đảm bảo tiến độ đến năm 2020 phải hoàn thành việc sắp xếp. Từ bây giờ đến cuối năm 2019 đầu 2020, TPHCM sẽ chọn một vài đơn vị để thực hiện thí điểm, tập trung những đơn vị 2 tiêu chí không đạt. Việc điều chỉnh về địa chỉ cũng nên thực hiện 1 lần, nếu không sau khi sắp xếp phường rồi sau đó sắp xếp quận sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Bởi lẽ khi điều chỉnh địa chỉ nhà ở sẽ phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ liên quan, gây ra ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. 

Tin cùng chuyên mục