Sáp nhập đi kèm với cắt giảm thủ tục hành chính

​​​​​​Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là một bước đi cần thiết trong công cuộc cải cách nhằm mục đích tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và kiến tạo không gian phát triển mới. 

Để đạt được mục đích này, cần đánh giá và phân tích kỹ lưỡng các khía cạnh liên quan đến đời sống dân sinh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

6HH00167.JPG
Ảnh minh họa

Khi thay đổi đầu mối quản lý nhà nước, các đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính của người dân cũng thay đổi theo. Một số thủ tục được chuyển xuống xã/phường/thị trấn (gọi chung là xã) giải quyết, một số khác phải đưa lên tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), thậm chí có thủ tục xã giải quyết nhưng tỉnh phê duyệt, giám sát.

Việc điều chuyển này ảnh hưởng trực tiếp đến quãng đường di chuyển, thời gian chờ đợi và chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thành thủ tục. Nếu thay đổi đầu mối quản lý mà các thủ tục quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thiết yếu liên quan trực tiếp đến dân sinh không được cải tiến thì sẽ khó lòng đạt hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước.

Trong lĩnh vực đất đai và xây dựng có nhiều thủ tục (như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, thẩm định quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giải quyết khiếu nại; xác định nguồn gốc đất, đăng ký biến động, cấp phép xây dựng…), trong đó có thủ tục có thể sẽ được đưa lên tỉnh, một số thủ tục quy mô nhỏ sẽ chuyển xuống xã. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết thấu đáo, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp chính quyền.

Chẳng hạn, liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có thể tỉnh sẽ giải quyết, nhưng xã sẽ xác minh. Sau sáp nhập, một tỉnh đôi khi quản lý hơn cả trăm xã, nên có thể dẫn đến quá tải, thiếu sâu sát. Người dân, doanh nghiệp vì thế có khi phải đi xuống xã rồi chạy lên tỉnh với quãng đường rất xa.

Muốn hiệu quả, cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định liên quan đến đất đai từ Luật Đất đai đến các nghị định, thông tư hướng dẫn, đồng thời đẩy mạnh số hóa toàn diện, đồng bộ các thủ tục sao cho tiện lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

17-10. Cán bộ, công chức UBND quận 1 tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (2).JPG
Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện chỉ đảm bảo được mục tiêu khi đi kèm với cắt giảm hoặc tối giản các thủ tục. Ảnh minh họa

Hiện nay, các điều kiện kinh doanh còn khá phức tạp, với nhiều yêu cầu mà doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi được phép hoạt động như kiểm định, môi trường hay đăng ký thông tin. Trong khi đó, hạ tầng số và ứng dụng công nghệ số để xử lý thủ tục còn hạn chế, khiến cơ quan quản lý dễ rơi vào quá tải, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Do vậy, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục và thúc đẩy số hóa cần phải thực hiện đồng thời với quá trình sáp nhập.

Mấu chốt quyết định thành công của cuộc cải cách sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện để xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hiệu quả, chủ yếu nhằm ở việc cải cách hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với hệ thống tổ chức mới.

Để đạt được mục tiêu, cần cắt giảm các thủ tục không cần thiết, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Thực tế, pháp luật hiện hành đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh buộc doanh nghiệp phải đăng ký, được cấp phép mới đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, sau khi cấp phép, cơ quan quản lý nhà nước thường không theo sát việc kiểm soát liên tục, sau khi xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến xã hội mới phát hiện.

Nên chăng pháp luật chỉ cần công bố quy chuẩn phù hợp với quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, để doanh nghiệp tự đáp ứng và tham gia. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm, xử lý sai phạm (trừ ngành nghề phải quy định nghiêm ngặt). Với những lĩnh vực doanh nghiệp không tự làm được như đảm bảo quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, nên khuyến khích các đơn vị tư vấn hỗ trợ, đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các “giấy phép con” không cần thiết cũng là ưu tiên, chỉ nên giữ lại những điều kiện thực sự cần thiết theo thông lệ quốc tế, áp dụng cho các ngành đặc thù.

Đồng thời, cần giảm rào cản gia nhập ngành liên quan vốn pháp định. Cá nhân có ý tưởng kinh doanh tốt thì được phép thuyết phục nhà đầu tư, cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp mà không chứng minh vốn trước. Các yêu cầu về chứng chỉ ngành nghề cũng cần nới lỏng, chỉ áp dụng cho lĩnh vực đặc thù.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh các quy định về phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính giữa các cấp, đẩy mạnh số hóa thực chất, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp. Hệ thống dữ liệu liên kết giữa xã và tỉnh đảm bảo thống nhất, minh bạch trong xử lý hồ sơ.

Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện chỉ đảm bảo được mục tiêu khi đi kèm với cắt giảm hoặc tối giản các thủ tục, giảm gánh nặng ngân sách; tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, người dân sẽ có được cảm nhận rõ chi phí tuân thủ giảm, tốc độ giải quyết hồ sơ nhanh hơn và ít phải đi lại hơn.

Tin cùng chuyên mục