16 phường thuộc 8 quận trên địa bàn TPHCM chuẩn bị sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021 bởi không đủ diện tích và dân số theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, khẳng định: Việc sáp nhập sẽ lấy ý kiến người dân và trong quá trình sáp nhập mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không để xáo trộn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Khoảng 90.000 dân bị ảnh hưởng
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, vì sao TPHCM thực hiện sáp nhập các phường?
Ông ĐỖ VĂN ĐẠO: Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ thực hiện riêng ở TPHCM, mà trên cả nước. Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Năm 2018, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 37 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Ngày 12-3-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 653 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Gần đây nhất, ngày 14-5-2019, Chính phủ có Nghị quyết số 32 ban hành kế hoạch thực hiện việc sắp xếp.
Trên cơ sở đó, ngày 25-5-2019, UBND TPHCM có kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2019-2021. Việc sáp nhập chia làm 2 giai đoạn, theo tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1211. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện 2019-2021, những phường không đạt 50% tiêu chuẩn về cả diện tích và dân số thì phải sáp nhập. Về tiêu chuẩn, theo quy định, cấp phường thuộc quận phải có dân số từ 15.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên. Trong năm 2019, mục tiêu của TP là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các phường có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định.
TPHCM có bao nhiêu phường thuộc diện sáp nhập, quy mô số dân bị tác động là bao nhiêu? Người dân sẽ phải đối mặt với các xáo trộn gì và TPHCM có tính đến việc đến tận nhà làm lại giấy tờ cho người dân?
Xét về tiêu chí diện tích (5,5 km2/phường), hầu hết các phường ở TPHCM không đạt điều kiện. Xét về dân số, theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, TP có 16 phường có dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn, thuộc quận 2 (4 phường Bình Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh), quận 3 (phường 6, phường 13), quận 4 (phường 5, phường 12), quận 5 (phường 10, phường 12), quận 6 (phường 2), quận 8 (phường 11), quận 10 (phường 3, phường 6), quận Phú Nhuận (phường 12, phường 14). Vì thế, theo quy định, các phường này nằm trong diện bắt buộc phải sáp nhập trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, cụ thể ra sao do cấp có thẩm quyền quyết định. Trừ 3 phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông và An Khánh (quận 2) đang thực hiện quy hoạch nên số dân chỉ dưới 1.000 người/phường, trung bình 13 phường còn lại có số dân 5.000-7.400 người/phường.
Như vậy, tổng cộng có khoảng 90.000 người dân thuộc 16 phường bị tác động bởi đợt sáp nhập này. Một con số tương quan dễ hình dung, trên địa bàn TP, hiện nhiều phường, xã có quy mô dân số lớn hơn 100.000 dân là Bình Hưng Hòa A, B của quận Bình Tân; xã Vĩnh Lộc A, B của huyện Bình Chánh. Khi sáp nhập đơn vị hành chính, người dân bị xáo trộn địa chỉ nhà mới và cần một thời gian để quen thuộc.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, người dân vẫn có thể sử dụng các giấy tờ có địa chỉ cũ một cách bình thường. Với các trường hợp người già, diện chính sách… các cơ quan, đơn vị có thể đến nhà phục vụ việc cấp lại giấy tờ giúp người dân.
Nhiều phường thuộc diện sáp nhập lại không liền kề nhau dù cùng một quận. Trường hợp này thì sáp nhập thế nào, thưa ông?
Các quận, phường sẽ tính toán cụ thể, chọn lựa sáp nhập vào hướng nào, Đông - Tây - Nam - Bắc, tùy điều kiện cụ thể ở địa phương. Việc sáp nhập thực hiện theo 2 giai đoạn.
Trong đó giai đoạn 1, TPHCM mới sáp nhập ở cấp phường; giai đoạn 2 có quy mô tác động lớn hơn, TP sẽ sắp xếp, sáp nhập nhiều phường, xã hơn, trong đó có cả sắp xếp cấp quận, huyện. Dù chia làm 2 giai đoạn nhưng TPHCM yêu cầu, ngay từ giai đoạn đầu, đơn vị nào đã tổ chức sáp nhập thì phải đảm bảo tiêu chuẩn để giai đoạn 2 không phải làm nữa. Đồng thời khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính.
Quyền quyết định thuộc về cử tri
Khi nào TPHCM lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập? Những kinh nghiệm nào được TP rút ra từ các đợt sáp nhập trước đó, thưa ông?
Từ năm 1975 đến nay, TPHCM đã trải qua 2-3 lần sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp quận, cấp phường. Quận 8 hiện giờ là quận 7 và quận 8 nhập lại; quận 1 trước đó là quận 1 và quận 2; quận Bình Thạnh hiện nay hình thành từ quận Bình Hòa và quận Thạnh Mỹ Tây… Về cấp phường, quận 1 trước kia có 23 phường, giờ còn 10 phường; quận Bình Thạnh trước có 28 phường, giờ còn 20 phường; quận 3 từ 24 phường, giờ còn 14 phường… Đây không phải là lần đầu tiên TP thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính. Nhưng khác các lần trước, lần sáp nhập này có lấy ý kiến người dân.
Lộ trình là: quận xây dựng phương án sáp nhập gửi TP; TP trình phương án tổng thể ra Bộ Nội vụ. Sau khi Bộ Nội vụ đồng ý, TP sẽ có đề án chi tiết sáp nhập và đề án đó phải được xin ý kiến cử tri, được HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp TP thông qua. Tiếp đó, TP báo cáo Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan Trung ương thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mọi việc hết sức chặt chẽ và đòi hỏi hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu ở địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân để người dân đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập phường. Đồng thời các cơ quan hành chính cần phục vụ người dân nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sinh sống, sản xuất kinh doanh.
Thưa ông, nếu người dân không đồng ý sáp nhập phường, thì sao?
Việc sáp nhập phải xin ý kiến cử tri. Quyền quyết định thuộc về cử tri và ý kiến số đông cử tri được tôn trọng.
Việc sáp nhập có thể dẫn tới tình trạng một phường có quá nhiều lãnh đạo, nhất là cấp phó. Làm thế nào để đảm bảo việc sáp nhập đơn vị hành chính đồng thời với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng chất đội ngũ cán bộ?
Bất cứ trường hợp thay đổi nào cũng có ít nhiều xáo trộn, nhất là sáp nhập. Khó khăn lớn nhất là về con người, cụ thể là cán bộ, công chức. Nói gì thì nói, anh em đều có tâm tư, mặc dù đã biết trước việc sáp nhập. Tâm tư trong cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) khi sáp nhập là đương nhiên. Vấn đề là cơ quan, tổ chức có phương án cụ thể, làm sao hạn chế thấp nhất tâm tư đó; làm sao giúp cho nguyện vọng của anh chị em CB-CC-VC được đạt yêu cầu cao nhất; và quan trọng nhất là làm sao để quá trình sáp nhập, các thủ tục hành chính, các việc phục vụ dân vẫn trôi chảy, chứ không phải vì sáp nhập mà ảnh hưởng sự phục vụ người dân. Mục tiêu của TPHCM là như vậy. Trong quá trình thực hiện, TP đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho CB-CC-VC và người lao động có liên quan; có lộ trình bố trí, sắp xếp để bảo đảm đúng số lượng quy định. Trung bình mỗi phường có khoảng 25 CB-CC-VC.
Trước mắt, những CC-VC còn tuổi, có trình độ vẫn làm việc bình thường. Còn CB đương nhiên phải tinh gọn. Hai phường nhập một, hai bí thư còn một, hai chủ tịch còn một, thì người còn lại sẽ tính toán dựa trên độ tuổi, trình độ, năng lực để điều chuyển, luân chuyển, sắp xếp hợp lý. TP cố gắng trong 3-5 năm phải ổn định bộ máy hành chính ở các đơn vị sáp nhập. Ban đầu có thể xáo trộn nhưng sau đó, sự sáp nhập phải đảm bảo yêu cầu là gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng chất đội ngũ CB-CC-VC; nâng cao thu nhập cho CC-VC để CB-CC-VC yên tâm làm việc, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là phục vụ dân ngày càng tốt hơn.