Sáng 3-4, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lãnh đạo tỉnh này đã đồng ý chủ trương cấp đất nghĩa trang làm phần mộ cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo nguyện vọng gia đình.
Cụ thể, sau khi nhận được tờ trình của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về việc xin đất nghĩa trang để đưa phần mộ của ông từ nghĩa trang Gò Dưa, TPHCM về quê nhà ở Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành xin ý kiến và được Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này chấp thuận.
Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng với Sở Tài nguyên – Môi trường, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, UBND thị xã Hương Thủy và các đơn vị liên quan tham mưu các thủ tục để cấp đất nghĩa trang.
Gác Trịnh nằm ở khu tập thể Nguyễn Trường Tộ, TP Huế từng là “một chốn đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) có quê quán ở Thừa Thiên - Huế. Ông sinh ra ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk nhưng lớn lên ở Huế. Trước lúc ra đi, ông đã để lại cho làng âm nhạc Việt Nam hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng tích cực đón nhận, yêu mến.
Âm nhạc của ông giàu tính triết lý và sâu sắc, với dấu ấn rất riêng trong tư tưởng và ca từ, thể hiện tình yêu to lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình cùng những bản tình ca nồng nàn, sâu lắng. Mới đây, nhân dịp 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Google Doodles đã vinh danh ông trên trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google. Đây là lần đầu tiên Google Doodles vinh danh một người Việt.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tỉnh hoàn toàn đồng ý nguyện vọng của gia đình. Việc làm này như cách tri ân đối với nhạc sĩ tài năng là người con xứ Huế đã có những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Hy vọng rằng, việc di dời mộ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về Huế sẽ tạo nên một điểm đến văn hóa mới, không gian nghệ thuật, du lịch cho du khách trong và ngoài nước.
VĂN THẮNG