Các chuyên gia khí tượng cho biết, hiện tại, theo mô hình cập nhật dự báo thời tiết ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương do Cơ quan Dự báo khí hậu hạn vừa châu Âu thực hiện, từ khoảng ngày 24-6 trở đi, trên khu vực Bắc Biển Đông sẽ hình thành một áp thấp nhiệt đới.
Tương tự, mô hình dự báo của Hệ thống Dự báo toàn cầu (GFS) thuộc Trung tâm Dự báo của Hoa Kỳ cũng đã đưa ra nhận định, trên khu vực giữa Biển Đông sẽ có một rãnh thấp được kích hoạt trong vài ngày tới và trên rãnh thấp này sẽ hình thành một xoáy thuận nhiệt đới phát triển dần lên, có thể thành bão từ khoảng ngày 27-6 trở đi tại khu vực Bắc Biển Đông, có thể tác động trực tiếp tới vịnh Bắc bộ.
Theo các chuyên gia khí tượng, thông thường theo đúng quy luật, khi ở khu vực Bắc Biển Đông hình thành bão (đầu mùa) thì gió phơn (gió Lào khô nóng) ở miền Trung Lào và Thái Lan sẽ bị hút qua Việt Nam, gia tăng nắng nóng ở miền Trung.
Trong khi gió mùa Tây Nam ở phía Nam được kích hoạt mạnh. Do đó, khoảng cuối tháng này, khu vực Nam bộ và Tây Nguyên có thể xuất hiện mưa gió nhiều hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mô hình ban đầu, thông tin dự báo sơ bộ. Các mô hình có thể còn thay đổi nếu có thêm các yếu tố thông số “đầu vào”.
Hiện tại, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia chưa có thông tin về cơn bão này. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo xa rằng, từ nay đến tháng 9-2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, cần đề phòng khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.