Sao lấy tiền người lao động cấn trừ nợ doanh nghiệp?

Tập thể công nhân viên Công ty Dịch vụ Công ích quận 6 (TPHCM) vừa gởi đơn khiếu nại với nội dung: Vì sao tiền hoàn thuế thu nhập cá nhân (hơn 4 tỷ đồng) là tiền của người lao động, nhưng cơ quan thuế lại cấn trừ sang tiền doanh nghiệp (DN) nợ thuế?  

Vì sao 2 đối tượng khác nhau, một bên thụ hưởng là người lao động, còn đối tượng nợ thuế là pháp nhân doanh nghiệp, sao có thể lấy tiền cá nhân để cấn trừ nợ của DN?

Trả lời về vấn đề này, Cục Thuế TPHCM cho rằng, cơ quan thuế (xem như) đã hoàn thuế thu nhập cá nhân của người lao động cho công ty và lấy tiền đó để khấu trừ số tiền thuế đất mà công ty đang nợ, như vậy xem như công ty nợ tiền của người lao động. Người lao động có quyền yêu cầu công ty trả lại tiền cho mình. Tuy nhiên, theo Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTC thì quy định mọi hoạt động cấn trừ thuế là cấn trừ cùng loại thuế (cùng sắc thuế - PV).

Có thể hiểu là thuế giá trị gia tăng cấn trừ với thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp cấn trừ với thuế thu nhập doanh nghiệp… Nếu thừa sẽ được hoàn thuế, chứ không phải lấy sắc thuế này cấn trừ cho sắc thuế khác. Hơn nữa, ở sắc thuế thu nhập cá nhân thì người thụ hưởng là cá nhân (người lao động); còn đối với thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng là thuộc về pháp nhân (DN) nên ở hai đối tượng thụ hưởng khác nhau, không thể cấn trừ nghĩa vụ cho nhau được.

Nếu chiếu theo Bộ luật Dân sự thì người lao động chỉ ủy quyền cho DN quyết toán (hoàn thuế) thay cho mình, có nghĩa DN chỉ đi kê khai, nộp thuế và quyết toán thay; còn số thuế phải nộp hay số tiền được hoàn thuộc về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động. DN không có quyền hưởng số tiền hoàn thuế đó. Như vậy, không thể lấy tiền hoàn thuế cho người lao động để nộp trả các khoản nợ thuế khác của DN. Hơn nữa, lương và các khoản chi trả cho người lao động luôn luôn được pháp luật ưu tiên trong thứ tự thanh toán. Thậm chí, khi DN phá sản thì trong Luật Phá sản còn quy định ưu tiên thanh toán lương và các khoản khác cho người lao động, thì không lý gì cơ quan thuế lại lấy tiền hoàn thuế cho người lao động để cấn trừ số thuế DN nợ. 

Việc cấn trừ này đã không đảm bảo quyền của người lao động, mà còn gây nỗi lo lắng trong người lao động. Họ không dám ủy quyền cho cơ quan, DN quyết toán thuế thay. Đáng quan tâm hơn nữa, nếu người lao động tự mình đi hoàn thuế sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí xã hội và gây tắc nghẽn hệ thống. Nếu việc cấn trừ thuế này không được sửa chữa kịp thời, người lao động sẽ hoang mang và sẽ xáo trộn hoạt động ủy quyền cho DN quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động

Tin cùng chuyên mục