Các ĐBQH vẫn tranh luận nhiều vấn đề. Các ĐBQH đều đồng tình, sân bay Long Thành là một dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Các ĐB đề nghị Chính phủ tập trung quyết liệt chỉ đạo, nhất là giải phóng mặt bằng dự án để đảm bảo tiến độ đến năm 2025 đưa dự án vào khai thác theo nghị quyết của Quốc hội, bởi đến nay đã qua 4 năm nhưng chưa duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi là quá chậm.
Trước đó, ngày 24-10, báo cáo về dự án trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ gồm một đường cất - hạ cánh; một nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và các hạng mục phụ trợ khác. Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng).
Các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh diện tích đất xây sân bay giai đoạn 1 thêm 645ha, từ 1.165ha lên 1.810ha; điều chỉnh 1.050ha đất quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung quốc phòng và dân dụng. Cùng đó, bổ sung hai tuyến đường bộ vào dự án sân bay Long Thành.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước để làm dự án này.
Trong gần 4,2 tỷ USD vốn của ACV rót vào dự án, dự kiến doanh nghiệp phải vay gần 2,63 tỷ USD. Theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh nên sẽ được tính vào nợ công. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc khả năng huy động vốn của ACV và năng lực tài chính của AVTM.
Những đề nghị này của Ủy ban Kinh tế cũng là các băn khoăn của ĐBQH khi thảo luận về nội dung này trong sáng 12-11.
ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) tán thành với việc không vay vốn ODA để thực hiện dự án, vì tác động đến nợ công. Mặt khác, là công trình quan trọng quốc gia có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ. Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp để thực hiện là cần thiết, vừa không tác động đến nợ công, vừa tăng cường năng lực, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong nước khi thực hiện các dự án lớn.
Theo ĐB Hoàng Thị Hoa, nếu tổ chức đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà thầu thì ACV là doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất cho các yêu cầu của nhà đầu tư, tuy nhiên nếu tổ chức đấu thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vì vậy, ĐB tán thành đề xuất của Chính phủ giao ACV là nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần bảo đảm năng lực tài chính.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn, báo cáo nói ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần. Vốn đầu tư sân bay Long Thành xác định trong báo cáo tiền khả thi là 16 tỷ USD, trong giai đoạn 1 này xác định là 4,779 tỷ USD. Hiện chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu.
“Với số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD có thể huy động được các nguồn vốn khác, nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo khả năng sẽ như thế nào? Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn. Bởi nếu không thu xếp được vốn thì đồng nghĩa với việc để triển khai hoàn thành cả công trình sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình”, ĐB Nguyễn Lâm Thành nói. |
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đánh giá cao chủ trương của Chính phủ không mời thầu quốc tế đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước, đồng tình giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Nếu giao trực tiếp cho ACV thì không qua đấu thầu, sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm để triển khai sớm dự án.
Tuy nhiên, ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, dù chỉ định ACV trong toàn bộ quá trình đầu tư nhưng chưa chắc đã rút ngắn thời gian, vì bản thân ACV là một doanh nghiệp cổ phần nhà nước nắm cổ phần chi phối. Về nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào, sau này triển khai đều phải triển khai đấu thầu. Với tổng mức đầu tư cả dự án là 330.000 tỷ, giai đoạn 1 là 110.000 tỷ, sẽ có rất nhiều gói thầu phải đấu thầu trong giai đoạn thực hiện. Trong khi đó, là nhà đầu tư tư nhân sẽ không phải mất thời gian trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu cho những điểm các gói thầu nhỏ.
“Một trong lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do mất nhiều thời gian cho việc thực hiện những gói thầu nhỏ trong quá trình triển khai dự án. Tư nhân có thể xây dựng sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm nhờ không phải thực hiện các thủ tục hành chính về đấu thầu như đầu tư công”, ông Hoàng Văn Cường chỉ ra. |
Mặt khác, ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không và các doanh nghiệp tư nhân khác không có khả năng đầu tư về hàng không. Điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một minh chứng cho thấy tư nhân đều có thể đầu tư cảng hàng không và đã hoàn thành trong một thời gian thần tốc, chất lượng thì không còn nghi ngờ gì khi Vân Đồn vừa được bình chọn là 1 trong số 6 sân bay đưa vào trong năm 2019 khai thác sân bay tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương.
Vẫn theo ĐB Hoàng Văn Cường, giao cho ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất, vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế, nếu xảy ra rủi ro cuối cùng nhà nước vẫn phải gánh chịu. Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực tiền vốn rất lớn và khả năng huy động vốn rất linh hoạt và năng động, luôn luôn sẵn sàng tham gia đầu tư.
“Điều này được minh chứng thông qua dự án đường cao tốc Bắc - Nam, khi Chính phủ quyết định không mời thầu quốc tế, cho đến nay đã có hơn 70 nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào dự án này, cho thấy khả năng sẵn sàng và sức mạnh của các nhà đầu tư trong nước là rất lớn”, ĐB Hoàng Văn Cường phân tích. |
Cho rằng cần phải rút kinh nghiệm từ 12 đại dự án thua lỗ khi giao cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đề xuất cần thuê đơn vị tư vấn tốt nhất để thiết kế và thẩm định dự án này thật chi tiết, từ phương án thiết kế đến tổng mức đầu tư cho cả dự án, từng hạng mục dự án cũng như cơ chế vận hành dự án. Đây chính là đầu bài để kêu gọi những nhà đầu tư, đồng thời cũng là cơ sở để sau này giám sát các nhà đầu tư có thực hiện theo đúng chủ trương cũng như mục tiêu xây dựng một sân bay hiện đại hay không.
Mặt khác, Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng quan tâm đầu tư các hạng mục dự án cùng ngồi lại với nhau, lấy ACV là hạt nhân để liên kết những nhà đầu tư này nhằm hình thành một tập đoàn đầu tư theo dạng một tổ hợp đầu tư mà thế giới hiện nay phát triển khá phổ biến.
“Với mô hình tổ hợp như thế sẽ khai thác được sức mạnh của các tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng phát huy được vị thế người trụ cột là ACV trong việc quản lý, điều hành hệ thống này. Không nên quá e ngại việc đó sẽ mất thời gian cho quá trình chuẩn bị đầu tư. Kinh nghiệm của Nhật Bản là trước khi triển khai đầu tư phải chuẩn bị dự án và chọn những đối tác đầu tư thật kỹ, để khi triển khai không gặp phải những vấn đề vướng mắc”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Ông cũng cho rằng, cũng đừng e ngại nếu làm như vậy thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ được nhận những phần hạng mục có lợi, còn Nhà nước phải nhận những hạng mục khó khăn, không có lợi ích. Đây chính là mô hình của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ làm những khâu buộc Nhà nước phải thực hiện hoặc những khâu không hiệu quả tư nhân không làm, còn lại những khâu khác tư nhân có thể làm được hãy giao cho tư nhân để họ phát triển, đóng góp lại cho xã hội và nộp thuế cho nhà nước.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu quan điểm sân bay Long Thành phải là một phần thưởng quý báu, không thể là một di sản "bỏ thì thương, vương thì tội" trên vai các thế hệ mai sau, do đó cần trách nhiệm cao và mức độ thận trọng cần thiết trong việc triển khai thực hiện chủ trương này. |
“Tôi tán thành chủ trương giao cho các nhà đầu tư trong nước, nhưng về vốn thì chắc chắn sẽ phải sử dụng cả vốn tư nhân và đầu tư công, bao gồm vốn tự có, vốn ngân sách, vốn vay trong nước và nước ngoài. Cần có một chủ trương, chính sách cụ thể, thông minh và chặt chẽ về huy động và quản lý các nguồn vốn đối với dự án này. Nếu cần tăng nợ công thì vẫn nên tăng”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói.
Theo ông, nợ công mọi quốc gia không phải là mức trần mà là hiệu quả, nhà nước nắm giữ bao nhiêu vốn, lời lỗ sẽ được phân bổ, điều tiết ra sao, bởi có những hạng mục có thể phải lỗ và có những hạng mục lời, chỉ cần hài hòa.
“Chúng ta thu hút không khéo thì toàn bộ lợi nhuận về tay các tư nhân, còn lỗ thì nhà nước gánh. Nếu có chủ trương hợp lý, minh bạch, tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi rất lớn của người dân ở trong nước và hải ngoại. Chỉ cần bảo đảm nguyên tắc không tham nhũng, lãng phí, không bị lợi ích nhóm và lợi ích sân sau chi phối”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh bên cạnh vấn đề thực hiện nhanh, nếu ACV đủ lực thì cũng không ngại cạnh tranh lành mạnh. ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia khi cho rằng, diện tích sân bay Long Thành với số lượng hành khách dự kiến là quá lớn và suất đầu tư là quá cao.
Ở quan điểm khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) tán thành cần phải triển khai nhanh dự án sân bay Long Thành để vừa đảm bảo phục vụ khách du lịch, vừa phục vụ đi lại của người dân và nhất là vấn đề đảm bảo an toàn bay.
ĐB Trần Hoàng Ngân đồng ý đầu tư xây dựng giai đoạn 1 sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư khoảng hơn 111.000 tỷ đồng. Mức này thì Quốc hội có thể phê duyệt trong nghị quyết, nhưng cũng có thể không ghi. Bởi vì, Nghị quyết số 94 của Quốc hội khóa XIII ghi rõ là tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không được vượt quá 114.000 tỷ đồng, tức là không được vượt quá 5,45 tỷ USD, báo cáo nghiên cứu ở mức 111.000 tỷ đã dưới mức Quốc hội đã cho phép, nên Chính phủ có thể không cần phải xin ý kiến Quốc hội.
Về vấn đề chọn nhà đầu tư, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, theo Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu, việc này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc đầu tư dự án và quyết định chọn nhà đầu tư, nên Quốc hội không cần quyết định vấn đề này.
“Tôi tin tưởng hoàn toàn, vì nó đảm bảo các tiêu chí, Quốc hội không nên quyết định vấn đề này, để Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chỉ yêu cầu Chính phủ lưu ý việc chọn nhà đầu tư phải đảm bảo vấn đề về an ninh, quốc phòng là trên hết; đảm bảo tính công nghệ phải hiện đại và tiên tiến; bảo đảm hiệu quả”, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu. |
ĐB Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý vấn đề làm sao có đất sạch để giao thi công vào cuối năm 2020, bởi ước hết năm 2019 cũng chỉ đạt khoảng 15%, Chính phủ kiến nghị áp giá mới cho năm 2020, nên tình trạng đầu cơ đất sẽ rất phức tạp, giải phóng mặt bằng càng khó khăn. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhanh chóng để có thể thi công vào cuối năm.
“Mặt khác, 6 năm nữa, giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành mới được đưa vào khai thác với công sức là 25 triệu hành khách/năm. Thời gian đó khu vực Đông Nam Bộ, TPHCM sẽ rất quá tải, vì vậy đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT đẩy nhanh vấn đề mở rộng khai thác có hiệu quả Sân bay Tân Sơn Nhất”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.