Cho dòng điện luôn tỏa sáng
Ước mơ trở thành công nhân “leo cột điện” được ông Phan Văn Điền (kỹ sư an toàn chuyên trách, Công ty Điện lực Củ Chi - thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM) ấp ủ từ khi còn rất nhỏ. “Hồi ấy, tôi thấy chú mình thật oách khi ông leo cột điện điêu luyện. Mỗi khi ông leo xuống thì điện trong xóm sáng trưng”, ông Điền nhớ lại. Nhưng đó là cảnh của hơn 30 năm trước ở làng quê Củ Chi, nơi ông Điền sinh ra và lớn lên. Để rồi khi trở thành người công nhân ngành điện lực, sau đó đảm nhận các vị trí công việc cao hơn, ông Điền mới thấu hiểu hết những vất vả, nguy hiểm của người thợ trực tiếp làm việc. Chính vì điều đó, ông trăn trở để có nhiều sáng kiến nâng cao ý thức an toàn cho người lao động, có các cải tiến giúp môi trường làm việc thêm an toàn.
“Làm việc trong môi trường điện lực là không có cơ hội để rút kinh nghiệm, sửa sai. Bởi chỉ cần sai 1 lần là có thể phải trả giá bằng chính tính mạng”, ông Phan Văn Điền chia sẻ. Trong kho sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị, ông Điền tâm đắc sáng kiến làm clip ghi lại các quy trình làm việc của người lao động, để từ các hình ảnh trực quan sinh động, ông giúp công nhân ngành điện hiểu hơn về công tác an toàn lao động.
Ở một vị trí khác trong ngành điện lực, với hơn 10 năm công tác tại Công ty Truyền tải điện 4 (thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia), ông Võ Sỹ Danh, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, đã “dắt lưng” bảng thành tích khá ấn tượng. Ông Danh cho biết, công việc của một kỹ sư điện là luôn đảm bảo an toàn cho các đường dây truyền tải điện. Trong khi đó, Công ty Truyền tải điện 4 quản lý tới 51 đường dây truyền tải điện được lắp đặt trong giai đoạn trước và sau giải phóng.
Để bảo vệ những đường dây cũ này, ông Danh mày mò nghiên cứu ngày đêm. Mất hơn 6 tháng nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu, thực hành rồi thử nghiệm trước khi triển khai, sáng kiến “Giải pháp hoàn thiện F85, F87L của các đường dây 220kV đang vận hành” của ông đã mang lại kết quả tốt, được công ty đánh giá cao và đưa vào ứng dụng thực tế.
“Đây là giải pháp mới, chưa có trường lớp nào giảng dạy. Ban đầu, chúng tôi cũng thấp thỏm lo lắng, song khi đưa vào vận hành thì kết quả ngoài mong đợi, giúp nâng cao khả năng làm việc an toàn của các đường dây, đáp ứng loại trừ nhanh sự cố, tránh gây ảnh hưởng đến vận hành của lưới điện truyền tải”, ông Danh chia sẻ. Đến nay, 46/51 đường dây truyền tải điện do Công ty Truyền tải điện 4 quản lý đã được bảo vệ, và sáng kiến đã làm lợi cho đơn vị gần 12 tỷ đồng khi không phải mua sắm thiết bị.
Những sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng
Với 12 năm gắn bó tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM), anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu luôn đau đáu với các sáng kiến nhằm cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp, nhân giống các loại cây, hoa cảnh để giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng nông sản, cũng như phát triển các loại giống cây trồng mới. Và “Quy trình sản xuất cây hương thảo trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt”, được công nhận “Tiến bộ kỹ thuật cấp Quốc gia” vào năm 2023, là một trong những “đứa con tinh thần” anh ấp ủ, nghiên cứu trong kho sáng kiến của mình.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Duy Lưu cho biết, khi tiếp cận một số thông tin ở nước ngoài về cây hương thảo, anh biết được nhiều lợi ích thiết thực của loài cây này với sức khỏe con người, như tăng trí nhớ, giảm stress... Hơn nữa, loài cây này vừa thích hợp trồng làm cảnh, vừa làm gia vị cho món ăn, nên anh ấp ủ nghiên cứu nhân giống tại Việt Nam. Năm 2015, anh Lưu bắt đầu nghiên cứu, nhân giống nhưng gặp không ít khó khăn. Sau 3 năm nỗ lực, trải qua nhiều lần thí nghiệm, cây hương thảo đã được sản xuất và nhân rộng. Khi xác định đạt hiệu quả, quy trình sản xuất cây hương thảo trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã được triển khai đào tạo, tập huấn và chuyển giao cho 3 đơn vị của tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Hậu Giang.
Ngoài ra, anh Lưu cũng đã góp phần biến vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn tưởng chừng chỉ bỏ hoang tại huyện Cần Giờ (TPHCM) thành vùng trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập nhờ sáng kiến “Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại Cần Giờ”.
Cũng xuất phát từ tình yêu môi trường, dành tâm sức cho công việc, ông Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ kỹ thuật phụ trách An toàn lao động, chi nhánh Công ty CP TICO - Công ty CP TICO, đã có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị và góp phần bảo vệ môi trường. Chia sẻ về những sáng kiến của mình, ông Lâm rất tâm đắc với sáng kiến “Pha loãng oleum (105%) thành acid sulphuric 75%”. Bởi trong quá trình sản xuất, oleum là một chất thải, không chỉ việc xử lý tốn kinh phí mà trong quá trình bảo quản, vận chuyển để xử lý cũng phải cần quy trình đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Do vậy, thay vì phải đưa đi xử lý, ông Lâm đã có sáng kiến biến chất thải này thành sản phẩm phụ sử dụng trong các hoạt động khác để phát huy giá trị, mang lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp và giúp môi trường trong lành hơn.
Gắn với nhà máy hơn 7 năm, anh Trần Tiến Đạt, Trưởng nhóm Bảo trì và Dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC, nhà máy Unilever (KCN Tây Bắc Củ Chi), hiểu rõ máy móc, để từ đó có nhiều sáng kiến, cải tiến góp phần trong công cuộc tự động hóa nhà máy, tối ưu năng suất lao động, giúp nhà máy tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Chẳng hạn như giải pháp “Cơ cấu định vị chai linh hoạt”, có thể thay đổi kích thước, dung tích chai tự động. Đây là sáng kiến đầu tiên được Unilever toàn cầu công nhận. Để có được sáng kiến này, anh Đạt và các cộng sự trải qua không ít khó khăn. Nhiều đêm thức trắng để xử lý khi dây chuyền có sự cố, khi sáng kiến cần phải chỉnh sửa, không ít lần anh Đạt nghĩ mình đã thất bại, nhưng bằng niềm tin, sự cố gắng, sáng kiến đã được hoàn thành, giúp rút ngắn thời gian chuyển đổi sản phẩm, tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư khi có sản phẩm mới và làm lợi cho đơn vị hàng năm hơn 2 tỷ đồng.
Ông VÕ KHẮC THÁI, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: Đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
Những tấm gương đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 24, năm 2024 là những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất kinh doanh; là những hạt nhân nòng cốt, tiêu biểu trong phong trào công nhân, lao động. Đây là những gương mặt có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực được áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, họ còn là những người thợ đầu đàn luôn tận tâm dìu dắt, hướng dẫn các lớp thợ trẻ nâng cao trình độ tay nghề. Từ đó góp phần tích cực phát triển doanh nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bà NGUYỄN THỊ KIM KHÁNH, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Một “chiến sĩ” trẻ, chiến đấu thầm lặng
Là người quản lý trực tiếp kỹ sư Nguyễn Hoàng Duy Lưu, tôi đánh giá anh Lưu là “chiến sĩ” trẻ, chiến đấu thầm lặng, bởi anh rất điềm đạm, thân thiện, hòa đồng với mọi người và bên trong luôn rực lửa đam mê nghiên cứu, cống hiến. Trong quá trình công tác, anh Lưu đã có những nghiên cứu của riêng mình cũng như nghiên cứu cùng nhóm để chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân TPHCM và các tỉnh khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất.
Ông NGUYỄN THANH LÂM, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi: Tấm gương của sự kiên trì, nỗ lực, cầu tiến
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ở đơn vị cũng như tại Tổng Công ty Điện lực TPHCM, anh Phan Văn Điền được xem là người thầy của những thợ điện giỏi. 3 tháng qua, anh Điền cùng 150 cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện được điều động tiếp sức thi công xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối (một dự án trọng điểm của quốc gia). Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu cho công nhân ngành điện về sự kiên trì, nỗ lực, cầu tiến và là một người thợ cả tận tâm, hết lòng truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề cho thợ trẻ.