Chuyện tác quyền tác phẩm chưa được tôn trọng đúng mực, trở thành nỗi đau nhiều năm trong giới nghệ thuật, khi tranh chép vẫn nhan nhản, đạo nhạc, đạo văn vẫn xảy ra… Liệu lằn ranh giữa inspiration (cảm hứng nghệ thuật) và imitation (sự bắt chước) quá mong manh, hay tự trọng của người làm công việc sáng tạo nghệ thuật chưa đủ nghiêm khắc với chính mình khi làm nghề.
Cái đẹp trong mắt mỗi người mang những định nghĩa khác nhau, nhưng với người sáng tạo tác phẩm, trừ việc sáng tác theo đơn đặt hàng, đó còn là câu chuyện cảm hứng để tạo nên tác phẩm. Nhiều họa sĩ lẫn nhà sưu tập nhìn nhận, đôi khi một bức tranh đẹp vì câu chuyện đằng sau và người mua chịu chi vì câu chuyện “có một không hai” của tác phẩm. Chính vì thế mà lòng tự trọng của người sáng tạo, có khi vài chục năm trời chỉ sáng tác vài tác phẩm, chứ không thể sáng tác như máy photocopy, để rồi câu trả lời cho nguồn cảm hứng sáng tác đến từ việc tham khảo mà tệ hơn là “copy” ý tưởng từ người khác… Chẳng khác nào tự đánh vào lòng tự trọng sáng tạo của chính mình.
Không ít họa sĩ trẻ giữ lại toàn bộ tác phẩm trong quá trình học tập, không phải vì đẹp hay xấu mà đó là một chặng đường thực hành với nhiều câu chuyện đằng sau màu sắc, cọ vẽ. Nghệ thuật hay bất kỳ lĩnh vực nào, không ai khắt khe trong khái niệm reference (tham khảo), tuy nhiên bản lĩnh của người làm nghề là sự tử tế và rạch ròi trong quá trình làm việc. Người làm sáng tạo có thể học hỏi cách thức tạo nên tác phẩm từ nghệ sĩ mình yêu thích, nhưng phải dựa trên ý tưởng của chính mình, được kết hợp, thay đổi, làm mới, biến tấu khác đi để trở thành cái riêng của mình.
Nghệ sĩ trẻ tài năng và được đào tạo bài bản là một điều xứng đáng được ghi nhận trong quá trình làm nghề, nhưng trước hết cần sự tự trọng trong quá trình sáng tạo. Có thể tham khảo và dẫn nguồn tác phẩm khác, có thể hôm nay bạn chưa thực sự tỏa sáng hay tên tuổi thuộc hàng đầu trong lĩnh vực… Nhưng chính cách làm nghề nghiêm túc và tự trọng sẽ tạo ra giá trị bền vững trong môi trường sáng tạo tác phẩm nghệ thuật lâu dài. Bởi không có khán giả hay nhà sưu tập nào chịu mất tiền cho những tác phẩm “tương tự” nhau, mà nói một cách đau lòng là đạo ý tưởng, dù rằng có khác chất liệu sáng tác.