Năm 2023, doanh thu ngành TT-TT ước đạt 36.571 tỷ đồng
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, năm 2023, doanh thu ngành TT-TT ước đạt 36.571 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, đạt 101,25% so với kế hoạch, tăng 12% so với năm 2022. Quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 9.841 tỷ đồng, mở rộng hơn 768 tỷ đồng so với năm 2022, chiếm 7,33% trong cơ cấu GRDP toàn nền kinh tế.
Đến nay, Đà Nẵng có các cơ sở dữ liệu nền và khoảng 100 dữ liệu chuyên ngành chia sẻ dùng chung qua LGSP; 400 thiết bị IoT quan trắc cung cấp dữ liệu theo thời gian thực; triển khai xây dựng Nền tảng DanangChain…
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tái sử dụng không cần nộp bản giấy mà còn giúp cơ quan nhà nước bỏ/giảm khoảng 180 thủ tục hành chính cấp lại do hư hỏng, mất…
Không chỉ vậy, trong năm nay, Đà Nẵng đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC, giai đoạn 1). Địa phương chủ động phối hợp với các bộ ngành Trung ương khẩn trương giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2.
Đà Nẵng tổ chức Hội thảo và tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch nước làm việc xúc tiến đầu tư với các Tập Đoàn Synopsys; Intel, Nvida; Marvell; ITSJ-G, Qorvo tại SanJoe (Hoa Kỳ) về đào tạo phát triển Chip vi mạch và Trí tuệ nhân tạo.
Đà Nẵng đạt được các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, chuyển đổi số: Giải thưởng Thành phố thông minh Seoul (Seoul Smart City Prize) năm 2023 cho hạng mục lấy người dân làm trung tâm (Human-Centricity); Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2023 (Viet Nam Smart City Award 2023)…
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quang Thanh, các dự án liên quan đến thành phố thông minh triển khai chậm, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy tính hiệu quả. Việc tham gia của một số cơ quan trong triển khai chuyển đổi số còn chưa tích cực, đặc biệt là tạo lập và chia sẻ dữ liệu.
Phát triển hạ tầng số vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu “hạ tầng đi trước một bước” để phục vụ xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Lĩnh vực báo chí phát triển nhanh, có nhiều mặt công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp, nhất là báo chí phát triển trên các nền tảng số. Quản lý nhà nước trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Tiếp tục chuyển đổi số, nâng "chất" đời sống
Năm 2024, chủ đề của ngành TT-TT là “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Toàn ngành phấn đấu doanh thu tăng 8,9% so với năm 2023. Doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt 161,8 triệu USD.
Tại hội nghị, ông Tạ Tự Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong năm qua, ngành TT-TT phối hợp doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp cho người dân nhận thức, thao tác một số ứng dụng về chuyển đổi số. Sự tham gia của nhiều thành phần là nền tảng rất quan trọng giúp cho các địa phương thuộc Đà Nẵng đạt, vượt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2024. Vì vậy, các sở ngành và doanh nghiệp công nghệ cùng cơ quan báo chí cần có những hoạt động phối hợp chặt chẽ giúp cho thông điệp, chủ trương ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Viettel Đà Nẵng, thời gian tới, Đà Nẵng cần tạo điều kiện cho nhà mạng lắp đặt các vị trí trạm đặt thù phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn trên núi Sơn Trà. Bên cạnh đó, Sở TT-TT xem xét kết nối, tạo điều kiện để Viettel và các doanh nghiệp công nghệ số có thể tư vấn các mô hình của đề án 06 đến các đơn vị liên quan. Ngoài ra, trong chiến dịch chuyển đổi công nghệ 2G sang 4G, đơn vị cần xem xét truyền thông mạnh, kêu gọi nhà mạng và cộng đồng doanh nghiệp có chính sách trợ giá cho trường hợp đặc biệt như hộ nghèo.