Sáng tạo từ truyện cổ tích

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú, có bề dày về văn hóa - lịch sử, là chất liệu để nhiều tác giả trẻ hiện nay vận dụng, từ đó sáng tạo ra những tác phẩm mới.

Nguồn cảm hứng bất tận

Sau truyện dài Chiều chiều quạ nói với diều (NXB Kim Đồng, 2023) mới đây, tác giả trẻ Giai Du vừa ra mắt tiểu thuyết Kiện trời (Linh Lan Books và NXB Hội Nhà văn). Nếu ở tác phẩm đầu tay, Giai Du xây dựng nguồn cảm hứng và sử dụng những bài ca dao, dân ca, hát ru thì sang tác phẩm thứ hai, anh lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Cóc kiện trời.

Những đặc điểm của tự sự dân gian được thể hiện khá nhiều trong tác phẩm, từ hình ảnh (các vị tiên và chốn tiên giới) đến tình huống (kiện trời, phân xử bất công) và cả lời dẫn chuyện. “Tôi tạo nên Kiện trời mang âm hưởng của các thể loại tự sự dân gian, bao gồm cả cổ tích. Một phần để tạo nên tính hệ thống với cuốn sách đầu tay, một phần giúp tác phẩm đa màu sắc và gợi sự liên tưởng tốt hơn”, tác giả Giai Du chia sẻ.

%6a.jpg
Các bạn trẻ trải nghiệm công đoạn thực hiện phim âm thanh Tấm Cám - Cổ tích không phép màu

Trước Giai Du, tác giả Thủy Nguyên từng ra mắt ấn phẩm Thiện và Ác và Cổ tích (NXB Kim Đồng) với 16 truyện được sắp xếp liền mạch ý tưởng. Xuyên suốt là hai tuyến nhân vật song song cùng kể chuyện: Sơn Tinh và Thủy Tinh trong Sơn Tinh - Thủy Tinh, người anh và người em trong Sự tích trầu cau, Tấm và Cám trong Tấm Cám…

Đó cũng là điểm độc đáo của tác phẩm khi mà lần đầu tiên cái Ác được lên tiếng để tự “biện hộ”, giúp người đọc có cái nhìn đa chiều. Dẫu cho cuối cùng cái Thiện chiến thắng và cái Ác phải bị trừng phạt, nhưng người đọc hôm nay chắc chắn sẽ có cái nhìn trọn vẹn và cởi mở hơn cả từ hai phía Thiện và Ác.

Chia sẻ về xu hướng tìm về truyện cổ tích trong hành trình sáng tạo của các bạn trẻ, TS Hồ Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, xu hướng này diễn ra trên thế giới từ lâu, nằm trong khung tư duy cải biên, dựa trên nguồn chất liệu văn học dân gian, truyện cổ tích, truyền thuyết. Những tác phẩm đó nằm sâu trong tâm thức của dân tộc, của nhân loại, thành ra nó rất gần gũi và có sự gắn bó nhất định với công chúng.

Nối dài đời sống cho truyện cổ tích

Từ cuối tháng 8 năm nay, kênh YouTube Người kể chuyện phim bắt đầu đăng tải tập đầu tiên của tác phẩm Tấm Cám - Cổ tích không phép màu, mỗi tuần phát sóng 2 tập vào thứ bảy và chủ nhật. Đây là bộ phim âm thanh, được cải biên từ tiểu thuyết Cổ tích không phép màu (NXB Thanh niên, 2020) của tác giả Đào, lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích đã rất quen thuộc với người Việt là Tấm Cám.

Là cô giáo dạy văn THCS, cũng là người tham gia dẫn chuyện cho phim âm thanh Tấm Cám - Cổ tích không phép màu, chị Lê Hoàng Phi Yến cho biết: “Cổ tích không phép màu đã sáng tạo trên nền câu chuyện cũ, nhưng làm cho các nhân vật có tính cách rất mới. Nhiều điều câu chuyện gốc không giải thích được, thì trong tác phẩm sau đã có những cách giải thích theo hướng rất nhân văn, hiện đại giúp nhiều người, nhất là người trẻ tiếp cận các tác phẩm hơn. Và càng nhiều người tiếp cận nguồn văn hóa dân gian đó thì sự lan tỏa càng mạnh mẽ, kể cả tiếp cận theo hướng truyền thống hay sáng tạo đều là những điều tích cực, đáng khích lệ”.

Đề cập đến những vấn đề cải biên từ truyện cổ tích, TS Hồ Khánh Vân cho rằng, điều quan trọng nhất là những sáng tạo đó cần phải có tính nhân văn và không cần phải là một bản sao hay một bức ảnh phản chiếu của tác phẩm gốc một cách trung thực và tuyệt đối. Về nguyên tắc, cải biên là sáng tạo, mà sáng tạo thì sẽ không có biên giới. Đây chính là hoạt động tái sáng tạo dựa trên một sự sáng tạo, nó giống như một sự tiếp nối.

TS Hồ Khánh Vân nói thêm: “Tôi nghĩ, chúng ta không nhất thiết phải trung thành với bản gốc, mà quan trọng là tinh thần nhân văn, phẩm chất thẩm mỹ, tính nghệ thuật, làm sao để các tác phẩm đó vẫn hướng người đọc đến những giá trị bất di bất dịch: chân - thiện - mỹ. Tất nhiên, trong các tác phẩm cải biên, nó có thể để lại dấu vết hoặc xóa sạch dấu vết của tác phẩm gốc”.

“Khi các bạn trẻ dựa vào nguồn chất liệu đó để sáng tác, họ sẽ mang lại những điều mới mẻ cũng như kích thích tư duy sáng tạo. Đồng thời, đó cũng là cách để hiện đại hóa, tạo nên tính chất thời đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu cho các bạn trẻ ngày nay, từ người sáng tạo đến đối tượng tiếp nhận”, TS Hồ Khánh Vân cho biết.

Tin cùng chuyên mục