Lịch sử qua những mô hình
Nằm trong dự án Lan tỏa vẻ đẹp lịch sử Việt Nam trên fanpage SSEN DOLL, chiếc ốp lưng điện thoại hình bản đồ Việt Nam và cờ đỏ sao vàng được nhiều bạn trẻ săn đón, bởi sự đặc biệt nằm trong từng nét vẽ.
Cao Thiện Bảo Nhi (26 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Gần 30 sự kiện lịch sử, địa danh, anh hùng ẩn chứa trong những mảnh vẽ ghép để tạo nên lá cờ đỏ sao vàng tổng thể trên chiếc ốp điện thoại. Càng soi kỹ từng nét sẽ nhìn ra những câu chuyện lịch sử qua từng giai đoạn. Tôi đã đặt thêm một chiếc ốp lưng có hình bản đồ đất nước để làm quà cho người bạn ở nước ngoài”.
SSEN DOLL là dự án thiết kế và sản xuất mô hình nhân vật cử động được, phỏng theo các nhân vật có thật trong sử sách. Chủ dự án là một nhà thiết kế trẻ với nghệ danh Michael Angle, quê gốc Thái Bình.
Anh cho biết: “Ốp lưng điện thoại là một phần của SSEN DOLL; cái chính mà tôi muốn tập trung vẫn là những mô hình nhân vật lịch sử có khớp cử động hình cầu, người chơi có thể điều chỉnh tư thế nhân vật như: đứng, ngồi, gập tay, gập chân… Hoặc khi sở hữu đủ cả bộ nhân vật, người dùng cũng có thể đọc thêm tài liệu và sắp xếp để mô phỏng một trận đánh trong lịch sử, hay hình ảnh một vị tướng ra trận… Các sản phẩm khi minh họa cho những buổi học sử sẽ thú vị và thu hút bạn trẻ hơn”.
Anh cho biết thêm: “Tôi đọc các tài liệu để có hiểu biết nhất định về trang phục và các đặc điểm văn hóa qua từng thời kỳ, để có thể tái hiện giống với bối cảnh lịch sử nhất có thể. Nhiều nhóm bạn trẻ chia sẻ văn hóa, lịch sử trên mạng xã hội, tôi đăng ký tham gia, trao đổi để dày thêm tư liệu”.
Hơn 14.000 lượt theo dõi trên fanpage, những sản phẩm đều có lượng khách hàng quan tâm và ủng hộ… là những tín hiệu vui để anh tiếp tục dự án dài hơi này: “Cũng không dám gọi là thông điệp quá to tát, tôi hy vọng những bạn trẻ đam mê lịch sử có thể vượt qua thách thức của bản thân để sống với đam mê đó. Hãy thể hiện tình yêu của bạn bằng bất kỳ điều gì bạn có thể làm trong khả năng của mình. Và tôi nghĩ, cái khó khăn lớn nhất chính là tiếp thu những lời phê bình, học hỏi từ đó và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn”.
Lả bay la và câu chuyện Gen Z
Bộ 12 poster Lả bay la được họa sĩ đồ họa Đinh Quý Trí Thông (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) thực hiện trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 năm 2020. Sau khi góp mặt ở triển lãm Vietnamme lần 2-2020 với chủ đề Ủa, Lả bay la được chia sẻ trên fanpage Mỗi ngày một Art, được nhiều bạn trẻ lan tỏa qua các lượt thích và bình luận.
Đinh Quý Trí Thông kể: “Câu chuyện về Lả bay la bắt nguồn từ những dòng suy nghĩ của tôi về việc, liệu những người bạn xa quê ở mùa Covid-19 đầu tiên cảm giác như thế nào, nghĩ gì về cuộc sống, gia đình. Ở thời điểm đó, tôi có may mắn trò chuyện cùng một vài người bạn xa quê và rất thú vị vì những câu chuyện họ kể về quê hương cũng như những cảm xúc của họ khi đó - rất chân tình và mộc mạc. Lả bay la ở đây là một phần câu hát ru quen thuộc của mẹ - câu hát mà hầu hết ai thuở xưa bé cũng từng nghe một lần. Với tôi, đây là câu hát mộc mạc nhất, dễ hình dung và dễ nhớ nhất về Việt Nam. Mỗi người khi lớn lên, có thể được nghe những câu hát ru từ mẹ, bà hay chị của mình - tất cả câu hát này, với tôi đều rất Việt Nam và rất riêng của mỗi người”.
Lả bay la được Trí Thông sử dụng kỹ thuật line art (nghệ thuật sử dụng đường nét làm yếu tố chính) và không chỉ có hình ảnh cánh cò, Lả bay la còn chứa đựng bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát bội, trò chơi dân gian tò he… Việc sử dụng các xu hướng mới, độc lạ trong thiết kế là một việc rất cần thiết, nhưng Lả bay la vẫn dung dị như cánh cò, như lời ru…
“Có lẽ chúng ta cần tách bạch giữa mặt câu chuyện và xu hướng trong thiết kế. Tôi chọn sử dụng và gắn bó với hình ảnh dân gian, nghệ thuật truyền thống - với những phong cách thiết kế mà mình nghĩ là phù hợp”, Trí Thông chia sẻ.
Thế hệ Gen Y, Gen Z, với sự hội nhập và ảnh hưởng của làn sóng văn hóa nước ngoài, bắt đầu nhạy cảm hơn trong việc giữ gìn và thể hiện giá trị truyền thống. “Trong quan sát của tôi, ngày càng có nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế sử dụng các đề tài về Việt Nam, có pha trộn các yếu tố ngoại nhập, để tạo ra sản phẩm của mình. Tôi nghĩ đó là cách làm phù hợp với thế hệ Gen Z - vừa giúp họ có cái nhìn, nghiên cứu về văn hóa hơn, nhưng cũng không vì thế mà làm nó trở nên quá cũ hay cổ hủ. Văn hóa Việt Nam sẽ rất hay và thú vị nếu được giới trẻ tiếp đón và hiểu hơn về nó, chỉ là cách kể từ xưa có lẽ không còn phù hợp với lứa tuổi nay mà thôi”, Trí Thông bày tỏ.