Tiếp theo, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 ra đời đánh dấu sự thay đổi căn bản về vị trí và vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển KTTT. Kể từ khi chuyển đổi và hoạt động theo mô hình mới, HTX đã có những thành công nhất định.
Nhiều điển hình tiên tiến
Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà.
Thời gian qua, TPHCM rất chú trọng phát triển HTX kiểu mới. Đến hết năm 2020, TPHCM hiện có 680 HTX, tập trung vào các mô hình nông nghiệp, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, giao thông vận tải… Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị để phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững. Tại huyện Cần Giờ, TPHCM, chỉ mới xây dựng chưa đến 2 năm, sản phẩm của HTX Cần Giờ Tương Lai đã có “tên tuổi” trên thị trường với các sản phẩm như khô cá dứa, cá rô phi, cá đù…
Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai Huỳnh Văn Thanh cho biết, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 100 hộ dân sản xuất nông sản. Ngay khi thành lập, HTX đã chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm… Sản phẩm không được tồn dư lượng thuốc kháng sinh và không có hóa chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX đã tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng cũng như các hệ thống siêu thị khó tính. Hiện HTX đã và đang xây dựng mạng xã hội, trang website để quảng bá, kết nối với khách hàng...
Huyện Củ Chi, TPHCM, cũng đi đầu trong phát triển kinh tế HTX. Giám đốc HTX Rau an toàn Hải Nông Hoàng Thanh Hải cho biết, sản phẩm của HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên đã vào được hệ thống siêu thị, chợ truyền thống lớn trên địa bàn. Hiện nay, đa phần các xã viên đã áp dụng cơ giới hóa trong việc làm đất, phun thuốc và lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, giúp giảm công lao động, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trong canh tác. Hiện ở HTX Hải Nông, trung bình đầu tư 1.000m2 trồng rau, gồm nhà lưới, hệ thống tưới, giống, phân bón… tốn khoảng 60 triệu đồng; nếu đạt năng suất 2,1-3 tấn/vụ, lợi nhuận sẽ được 13-15 triệu đồng/vụ.
Tại ĐBSCL, từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, kinh tế HTX đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương đi đầu với nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhất là mô hình hội quán. Đây là nền tảng để Đồng Tháp hình thành các HTX kiểu mới trên tinh thần tự nguyện và xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Canh Tân Hội Quán, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Năm 2016, Canh Tân là hội quán đầu tiên của tỉnh và đến nay đã có hơn 100 thành viên tham gia. Hội quán từng bước làm thay đổi nhận thức của nông dân, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Cụ thể, có hơn 100 hộ dân cùng liên kết sản xuất nhãn Idol với diện tích hơn 113ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và mã số vùng trồng. Hội quán đã thành lập HTX Nông sản an toàn An Hòa để cùng lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. HTX vừa làm dịch vụ liên kết tiêu thụ nhãn cho nông dân, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
(huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), một trong những HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX quốc gia, tính đến năm 2019, số HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp. Đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh thành có kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phát triển KTTT, HTX và 42/63 tỉnh thành có chính sách hỗ trợ phát triển KTTT theo đặc thù của địa phương.
Tính đến nay, tỉnh Lâm Đồng phát triển hơn 60.000ha đất triển khai ứng dụng công nghệ cao, tương ứng với tỷ lệ hơn 20% trong tổng số diện tích sản xuất. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hàng năm đạt 400 triệu đồng/ha, cá biệt có những mô hình có doanh thu 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm đến 40% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy Canh Việt Nguyễn Đức Huy cho biết: “Khởi đầu, các thành viên chỉ thuê được khoảng 7 sào (7.000m2) thành lập HTX, nhưng chúng tôi đầu tư vào đó hơn 1 tỷ đồng/sào để chuyên sản xuất các mặt hàng rau thủy canh. Ban đầu, các thành viên trong HTX sản xuất các loại rau ăn lá, sau đó phát triển dần các loại củ quả baby như bí ngô, dưa leo, đậu, cà chua… theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Những năm qua, nghề cá đã giúp diện mạo đô thị Hoài Nhơn (Bình Định) ngày càng khởi sắc. Từ các mô hình tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá, Hoài Nhơn đã kiện toàn để hợp nhất, xây dựng kết cấu thành HTX kiểu mới.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Đào Văn Hùng, thông qua HTX, nghiệp đoàn - tổ đội đoàn kết ở Hoài Nhơn sẽ được xâu chuỗi, tập trung về một mối, thành lập hội đồng quản trị riêng để bảo lãnh ký kết, liên kết với các doanh nghiệp để tạo liên kết chuỗi bền vững. Việc hình thành HTX cũng giúp cho ngành thủy sản thị xã Hoài Nhơn phát triển mũi nhọn kinh tế biển, giúp ngư dân đoàn kết sức mạnh trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Tại tỉnh Điện Biên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên là nơi các hộ tham gia liên kết sản xuất. HTX cung ứng giống, nông dân sản xuất theo quy trình của HTX nên năng suất, sản lượng luôn ổn định. Kết thúc mùa vụ, HTX tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm. Tuy giá cả hàng năm có biến động, nhưng liên kết với HTX, nông dân luôn được đảm bảo lợi nhuận... Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ hiện có 338 HTX nông nghiệp đang hoạt động với trên 60.000 thành viên. Có trên 70 sản phẩm hàng hóa do các HTX nông nghiệp sản xuất, trong đó trên 40 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, cả nước có gần 25.300 HTX, tăng 2.002 HTX so với cùng kỳ năm 2019; thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. HTX, liên hiệp HTX nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động trẻ, nhân rộng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, mang lại lợi ích cho các thành viên (21,5% tổng số HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, 13% tổng số HTX liên kết sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp). Đến nay, tổng số lao động thường xuyên làm trong các HTX khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân là 45 triệu đồng/năm/người.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, HTX kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế hộ cá thể là thành viên thông qua những hỗ trợ quan trọng như tạo việc làm, cải thiện thu nhập, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Thực tế, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, rất nhiều HTX không có trụ sở làm việc kiên cố, thiếu nhân lực có trình độ; lợi ích trực tiếp của HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều và mới chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón. Để phát triển HTX kiểu mới trong thời gian tới, tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, tự thân mỗi HTX nông nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc đổi mới phương thức hoạt động, chủ động kết nối, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững.
Giải pháp để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Đồng thời để tăng sức cạnh tranh, các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành. Trong điều kiện đó, HTX phải trở thành chỗ dựa nhằm phát huy kinh tế hộ để liên kết với doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh phát triển HTX kiểu mới, bởi HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất. HTX không chỉ dừng lại ở liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà còn tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến... HTX có thể tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho các thành viên và người dân nông thôn. Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời có thêm lợi ích là giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN Với bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế, các HTX có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn; mở rộng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến. Hội nhập cũng tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế nhất là vị thế trong khu vực. Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ KH-ĐT) NGUYỄN VĂN ĐOÀN |