Trước thực trạng đó, nhiều sinh viên đang học tập tại TPHCM đã suy nghĩ, tìm tòi và đưa ra những nghiên cứu có tính ứng dụng cao để cùng thành phố kéo giảm TNGT.
Búc xúc từ thực tiễn
“Két”, tiếng xe phanh gấp, kèm theo đó là hình ảnh 2 nữ sinh viên Trường Đại học (ĐH) Công nghệ TPHCM (Hutech) đang lúng túng trước đầu xe hơi vừa đổ dốc cầu vượt Hàng Xanh (quận Bình Thạnh). Gần đó, hàng chục sinh viên đang vẫn vô tư chuẩn bị sang đường, còn người dân xung quanh chỉ nhìn lướt qua vụ việc rồi quay đi. Thấy chúng tôi tò mò, một phụ nữ bán nước gần đó bảo: “Lạ gì đâu, ngày nào chả có”.
Đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) gồm 14 làn xe, mỗi ngày, hàng trăm sinh viên của Hutech và DOH Giao thông vận tải TPHCM đi học bằng xe buýt liều mình băng qua đường để tới trường. Khu vực này không có đèn tín hiệu giao thông và vạch kẻ dành cho người đi bộ, gần chân cầu vượt, nhiều xe đi lại với tốc độ cao, nên thường xuyên xảy ra va chạm.
Ngoài ra, xe buýt lưu thông qua đây rất đông, với 9 tuyến thay nhau liên tục ra, vào trạm đón khách, làm cắt dòng lưu thông của các phương tiện khác nên thường xuyên bị kẹt xe.
Chứng kiến không ít vụ va chạm giao thông và kẹt xe như vậy, Nguyễn Quốc Cường (sinh viên năm 4 ĐH Giao thông Vận tải TPHCM) cùng nhóm bạn đã nảy ý tưởng thiết kế cầu vượt đi bộ tích hợp trạm xe buýt (gọi tắt là CPBS) tại nút giao thông Nguyễn Gia Trí - Điện Biên Phủ.
TS Lê Anh Thắng (giữa) cùng Phạm Mạnh Đình (bìa trái) và Vũ Văn Dương tiếp tục thử nghiệm, nghiên cứu thêm để tìm ra sản phẩm tốt nhất. Ảnh: QUANG HUY
CPBS nhằm hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra đối với người tham gia giao thông và giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm.
Lấy ý tưởng từ hệ thống xe buýt nhanh BRT đã được triển khai tại đường Hàm Nghi (quận 1), sáng kiến của nhóm Cường gồm cầu vượt nối 2 bên đường Điện Biên Phủ kết hợp với 3 trạm xe buýt.
Cầu vượt được thiết kế 4 lối lên, xuống gắn với nhà chờ xe buýt, phía trên cầu có mái che năng lượng mặt trời vừa đảm bảo che nắng, mưa, vừa có điện để cung cấp cho các bảng thông tin điện tử, đèn chiếu sáng trên cầu và trạm xe buýt.
Riêng về trạm xe buýt, một trạm được lắp đặt ở vị trí trạm xe buýt hiện hữu tại vỉa hè phía trước cổng trường Hutech, 2 trạm còn lại được lắp ở giải phân cách của mỗi chiều, quy định rõ trạm cho từng tuyến để người đi dễ đón xe.
Trong khi đó, Ngô Quốc Nhu và Phùng Văn Hảo (sinh viên ĐH Công nghệ thông tin TPHCM) lại trăn trở với vấn nạn người dân vượt đèn đỏ. Nhu chia sẻ: “Dù pháp luật đã có chế tài nghiêm khắc nhưng tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ còn phổ biến. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT, ùn ứ xe ở các giao lộ, vì vậy chúng tôi đã tìm hiểu và có sáng kiến Hệ thống chống vượt đèn đỏ tự động, nhằm kéo giảm tình trạng này”.
Hệ thống gồm các thanh an toàn được đặt ngầm bên dưới các làn đường, khi có tín hiệu đèn vàng từ làn đường nào thì các thanh an toàn sẽ được di chuyển từ dưới mặt đường lên và dừng lại cho đến hết đèn đỏ, sau đó sẽ nhanh chóng hạ xuống khi đèn xanh được bật lên.
Mục đích của việc di chuyển thanh an toàn từ dưới lên là để cho người tham gia giao thông có thể nhận biết và dừng lại kịp thời, tránh tình trạng phóng nhanh qua để vượt đèn đỏ gây nguy hiểm.
Ngoài việc xử lý tự động theo tín hiệu thời gian tại trụ đèn giao thông thì hệ thống này có thể điều khiển tùy ý người để thuận tiện cho việc quản lý giao thông vào các giờ cao điểm.
Phạm Mạnh Đình và Vũ Văn Dương (sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) “hô biến” túi ni lông và cát thành gạch lót vỉa hè thân thiện môi trường cũng đã tạo dấu ấn khi giành giải nhì cuộc thi “Giao thông xanh” do Thành đoàn TPHCM tổ chức.
Ý tưởng làm gạch từ túi ni lông được Đình bắt đầu nghiên cứu vào cuối năm 2014, sau trận lũ lớn đổ về quê nhà ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) khiến hoa màu, nhà cửa bị cuốn trôi, thứ còn lại là rác, nhất là rác thải nhựa.
Đình đau đáu bởi dân quê mình nghèo, nhà cửa được xây dựng bằng những vật liệu như gỗ, tôn... nhanh mục, nát. Nhìn đống rác thải nhựa ngập đầy quanh nhà, Đình quyết tìm ra một loại vật liệu xây dựng mới thay thế. Vật liệu từ vỏ trấu và nhựa ni lông ra đời từ đó.
Ngày xuống TPHCM nhập học, đi trên những vỉa hè gập ghềnh, có người bị té ngã vì vấp phải những viên gạch không lành, Đình nghĩ đến phát triển sáng kiến của mình thành gạch lót vỉa hè và rủ bạn là Vũ Văn Dương tham gia.
Không có trấu, cát là nguyên liệu được 2 bạn nghiên cứu thay thế. Suốt 2 tháng thử nghiệm, Đình và Dương chế ra hơn 60 mẫu thử với nhiều tỷ lệ, ném từ tầng cao xuống thử độ chịu lực để lựa chọn tỷ lệ tốt nhất. Vật liệu được đặt tên UNC (U là UTE - tên viết tắt tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, N là ni lông, còn C là cát).
Ứng dụng thực tế cao
Đoạt giải ba cuộc thi “Lập trình Makerthon” của Thành đoàn TPHCM, Hệ thống chống vượt đèn đỏ của nhóm Ngô Quốc Nhu được hội đồng giám khảo đánh giá cao, nhất là tính ứng dụng vào thực tiễn. Nhu cho biết, hệ thống này không mất quá nhiều chi phí, chỉ cần lắp đặt thêm vào vị trí đèn giao thông sẵn có. Đây cũng là cách để người dân dần ý thức với việc buộc phải dừng đèn đỏ. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể áp dụng tại các rào chắn ray xe lửa.
Với giải nhì cuộc thi “Giao thông xanh” của Thành đoàn TPHCM, CPBS của nhóm Nguyễn Quốc Cường hứa hẹn sẽ hạn chế tối đa sự ùn tắc giao thông tại nút giao thông Nguyễn Gia Trí - Điện Biên Phủ, người đi bộ không phải băng qua đường, tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm va chạm giao thông.
Trong khi đó, hệ thống xe buýt mới sẽ không cản trở lưu thông của các phương tiện khác khi ra vào trạm, từ đó giảm ách tắc giao thông. PGS-TS Vũ Hồng Nghiệp, Phó Trưởng khoa Công trình giao thông - ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, đánh giá CPBS có tính ứng dụng rất cao, phù hợp với giao thông đặc thù tại TPHCM.
Mô hình đưa ra giải pháp cụ thể tại khu vực nút giao thông Nguyễn Gia Trí - Điện Biên Phủ nhưng hoàn toàn có thể điều chỉnh để phù hợp với những vị trí nút giao thông khác trên trục đường Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội…
Nói về sản phẩm gạch lót vỉa hè thân thiện với môi trường, TS Lê Anh Thắng, giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng - ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết anh bị cuốn hút ngay từ đầu bởi ý tưởng của sinh viên quá hay, quá thiết thực. Sản phẩm mẫu cũng trải qua nhiều lần đo lường và đều đạt tiêu chuẩn, phù hợp để lót vỉa hè, nơi thường xuyên phải gánh chịu lực lớn từ xe cộ qua lại.
“Kết quả thí nghiệm cho thấy vật liệu UNC hoàn toàn có thể được ứng dụng để làm gạch lát nền, vỉa hè trên đường phố và quan trọng nhất, với sáng kiến này sẽ có thêm một đầu ra cho những đồ nhựa phế thải để cùng góp phần giảm ô nhiễm môi trường”, TS Lê Anh Thắng khẳng định.