Triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, vừa kết thúc tại Hà Nội. Triển lãm trưng bày hơn 700 bìa sách đẹp của 55 tác giả cả nước, trong đó Trần Quốc Anh (sinh năm 1990, sống và làm việc tại TPHCM) được biết đến như là một trong những họa sĩ trẻ nhất có tác phẩm tham gia triển lãm. Nhiều bìa sách do anh thiết kế được yêu thích như: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Thất lạc cõi người, Đôi mắt trũng sâu, Phật trong hẻm nhỏ, Chúng mình thích bay lượn, Những người bạn côn trùng…
Trần Quốc Anh kể, từ cuối năm 2014, NXB Kim Đồng có kế hoạch giới thiệu trở lại các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng (1931-2019). NXB Kim Đồng đã “chọn mặt gửi vàng” nhiều họa sĩ trẻ cùng làm bìa và Trần Quốc Anh là một trong số đó. “Tôi phải vẽ 3-4 lần mới đạt. Tôi không thấy có gì phải buồn cả, vì mỗi lần sửa là mỗi lần mình lại học được những kinh nghiệm quý giá”, Trần Quốc Anh nhớ lại.
Sau 7 năm tham gia vào công việc thiết kế bìa sách, hiện tại, Trần Quốc Anh đã sở hữu gần 100 bìa sách. Theo anh, vì họa sĩ không phải tác giả của cuốn sách nên đây là khó khăn lớn nhất khi thực hiện thiết kế bìa. Thông thường, họa sĩ vẽ bìa thường được giao nhiệm vụ phải lột tả được nội dung, tinh thần của cuốn sách trên bìa dưới dạng hình ảnh, đường nét, màu sắc, nhưng người hiểu cuốn sách nhất vẫn là tác giả.
Mua sách vì tác phẩm hay là một lẽ, nhưng hiện tại, không ít cuốn sách được bạn đọc “rước” về chỉ vì bìa sách quá đẹp. Nhưng thực tế, những họa sĩ thiết kế bìa sách dường như vẫn đang giữ một vị trí đầy khiêm tốn và lặng lẽ. “Đến một ngày, bạn đọc nhìn bìa sách và đoán ngay được ai là tác giả, xem như đó là sự công nhận lớn nhất đối với họa sĩ”, Trần Quốc Anh tâm sự.
Theo anh, tương lai, ngành xuất bản sẽ còn phát triển vượt trội và có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, công việc thiết kế bìa sách sẽ phát triển theo. Chưa kể với loại hình ebook, bìa sách cũng có thể áp dụng các hiệu ứng 3D, 4D... giúp khơi gợi niềm hứng khởi của người đọc trước cuốn sách, kích thích mọi giác quan khi đọc. Nếu vậy, họa sĩ minh họa bìa sách cũng sẽ được nâng cao vị thế và biết đâu đây lại là một ngành hot cho các họa sĩ trẻ sau này.
Quốc Anh chia sẻ: “Bản thân người họa sĩ vẽ bìa khi tiếp nhận một cuốn sách cũng chỉ là một người đọc đơn thuần và trăm ngàn người đọc sẽ có chừng đó cảm nhận, hình dung, tưởng tượng khác nhau. Đây chính là áp lực vô hình với họa sĩ, khi phải luôn cố gắng diễn tả sát nhất, đúng nhất, trọn vẹn nhất có thể hồn cốt của cuốn sách”. |