Sáng tạo có hiểu biết

Yêu nước, kính trọng các bậc tiền nhân có nhiều cách thể hiện. Đừng vì sự thiếu hiểu biết mà làm sai lệch, khiến hành động đó trở thành bất kính.
Sáng tạo có hiểu biết

Phần thi của thí sinh Dubbie (tức diễn viên Lê Hữu Khương) trong tập 2 Rap Việt mùa 3 đang trở thành tâm điểm tranh cãi trong dư luận những ngày qua. Ngoài ca từ được xem là có nội dung không phù hợp, khá nhạy cảm thì trong bài thi của thí sinh này còn có hai câu hát hoàn toàn sai lệch kiến thức lịch sử. Không biết có phải vì cố gắng cắt ghép để cho có vần điệu hay không, nhưng hành động tùy tiện này cho thấy những lỗ hổng về kiến thức. Đáng chú ý hơn, cả hai câu hát này cũng không mấy ăn nhập với nội dung bài hát.

Trên mạng xã hội, trong đó có cả fanpage chính thức của cuộc thi lẫn trang cá nhân của Dubbie, rất nhiều ý kiến lên tiếng phê phán. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng thí sinh này nhận được bình chọn rất cao để đi tiếp là không xứng đáng. Dốt sử thì đừng nên rap về lịch sử; một sự nhầm lẫn nghiêm trọng; làm gì có nhầm mà là cẩu thả, thiếu nghiêm túc; chương trình này mấy nay bất ổn thực sự… là những bình luận để lại dưới các bài đăng. Trong trường hợp này, lỗi thuộc về thí sinh là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đơn vị sản xuất và cả phía đài truyền hình không thể đứng ngoài cuộc.

Trước khi khởi động mùa 3, phía ban tổ chức từng lưu ý thí sinh khi tham gia viết lời phải sử dụng từ ngữ văn minh, không dung tục… Phần thi của Dubbie đã vi phạm quy định này và dù là chương trình phát sóng lại. Điều đó cho thấy, lỗ hổng kiểm duyệt đã để “con voi chui lọt lỗ kim” dễ dàng. Hiện, nhiều khán giả đang chờ đợi phản hồi chính thức từ phía ban tổ chức.

Thực tế cho thấy, các tác phẩm nghệ thuật từ âm nhạc, phim ảnh, vở diễn… thuộc thể loại lịch sử, hay có yếu tố lịch sử, thể hiện lòng yêu nước luôn cần đặt thông tin chính xác, sự cẩn trọng lên hàng đầu. Ngoài âm nhạc, đã từng có những bài học thấm thía về sự cẩu thả của những người làm nghề sáng tạo. Gần đây nhất, bộ phim Huyền sử vua Đinh từng nhận rất nhiều chỉ trích bởi cách làm phim hời hợt, cẩu thả từ mặt tạo hình, phục trang, kỹ xảo. Hơn 10 năm trước, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng phải chịu cảnh “đắp chiếu” sau những chỉ trích gay gắt vì phục trang và hình tượng các nhân vật đều mang yếu tố ngoại lai. Đó là những bài học nhãn tiền, không chỉ phải trả giá bằng tiền mà còn cả danh tiếng, uy tín của những người thực hiện.

Tin cùng chuyên mục