Einstein đã đánh giá rất cao thuyết này và dành cho nhà khoa học kém mình 27 tuổi sự ngưỡng mộ và quý mến đặc biệt.
Lịch sử khoa học thế giới đã tôn vinh 3 học thuyết: Tương đối, Bất định, Bất toàn là 3 đỉnh núi sáng tạo cao nhất cho đến nay, không chỉ có tác động to lớn đến sự phát triển của Vật lý, Toán học mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực khoa học và hoạt động của thế giới.
Nếu như đỉnh Einstein có vẻ đẹp lộng lẫy kỳ diệu với sự biến ảo của không - thời gian tương đối, đỉnh Heisenberg có vẻ đẹp huyền bí lãng mạn với những đám mây bất định, ngẫu nhiên... thì đỉnh Gödel với vẻ đẹp hùng vĩ có sức lôi cuốn mạnh mẽ của sự bất toàn.
Các vẻ đẹp
Nhiều người vẫn nghĩ cái Đẹp là phải hoàn hảo, nhưng thực ra không thể có cái Đẹp hoàn hảo vì quan niệm về cái Đẹp là tương đối (tùy theo quan niệm, tập quán... của mỗi cộng đồng và cá nhân). Tuy vậy, những tiêu chí, đặc trưng cho cái Đẹp thường được gắn với sự cân xứng, hài hòa, không khiếm khuyết tỳ vết, thật tinh xảo hoàn mỹ, không phôi phai với thời gian…Gần đây, nhiều người đang hưởng ứng phong trào tìm hiểu, phát hiện và phát triển các vẻ Đẹp đối ngược với các tiêu chí trên: Đẹp đơn giản; Đẹp tự nhiên; Đẹp bất đối xứng; Đẹp khiếm khuyết; Đẹp dấu ấn thời gian; Đẹp phù du;…
Hiện nay, cùng với những vẻ đẹp hướng về sự hoàn hảo, ngày càng nhiều vẻ đẹp “bất toàn” theo các xu hướng trên:
+ Kiến trúc - thiết kế xây dựng nhà cửa, máy móc với quan điểm mới: càng đơn giản là càng đẹp, càng tự nhiên (tránh sự tác động của con người) càng đẹp.
Các căn nhà tối giản với góc thiên nhiên nhỏ xinh trong phòng làm việc hoặc ngoài ban công, các khu du lịch hoang sơ, các smartphone tinh gọn… Nhiều người cũng đang theo xu hướng sống đơn giản không cần trang điểm, trang sức cầu kỳ nhưng vẫn có vẻ đẹp tự nhiên, trang nhã.
+ Các mẫu thời trang bất đối xứng (váy, áo lệch...), ấm chén, bát đĩa, nội thất bất đối xứng… cổ vũ cho những vẻ đẹp nghịch thường, có sức cuốn hút mạnh mẽ!
+ Các phế phẩm, sản phẩm bị khiếm khuyết được tái sử dụng với những tạo tác bổ sung góp vào vẻ đẹp bình dị mà độc đáo! (Phong cách Wabi Sabi của Nhật rất khuyến khích dùng các sản phẩm này trong trà đạo, ẩm thực, nội thất…).
+ Các thực thể mang dấu ấn thời gian sau nhiều năm không chỉ dành riêng cho những nhà khảo cổ, hoài cổ… mà đang trở thành trào lưu Về nguồn trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, Xây dựng, Du lịch, Nội thất, Thời trang... (Phố cổ Hội An, Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Nhà rường, Nhà cổ Tiền Giang, nội thất vintage, áo lụa Hà Đông…) với những vẻ đẹp khơi dậy nhiều cảm xúc đẹp lắng đọng từ trước đây trong tiềm thức!
Một trào lưu sống thật, sống đẹp cùng tuổi tác, không trang điểm níu kéo tuổi xuân cũng đang phát triển.
+ Vẻ đẹp của những đóa hoa bung nở rực rỡ nhưng chóng tàn như hoa anh đào, hoa mai, đặc biệt như hoa quỳnh chỉ nở trong đêm đến sáng ra đã tàn... là biểu tượng cho vẻ đẹp mong manh, phù du làm xao xuyến biết bao tâm hồn. Trên mạng hiện nay, rất nhiều bạn đã chia sẻ các clip về những khoảnh khắc đẹp vô thường không chỉ về những bông hoa mà vạn vật quanh ta, từ giọt sương mai lấp lánh, cánh bướm bay trong nắng vàng, các vầng mây ngũ sắc... cho đến phút giao thoa của mặt trời với biển, pháo hoa rực rỡ giao thừa...
Sáng tạo và bất toàn
Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking khẳng định: “Vũ trụ không cho tồn tại sự hoàn hảo! Không có sự bất toàn thì con người không tồn tại!”. Theo triết lý Đông phương, con người là một “tiểu vũ trụ”! Vũ trụ là bất toàn nên con người sinh ra cũng bất toàn và sống trong thế giới bất toàn!
Hàng ngàn năm qua, loài người đã không ngừng làm ra những sản phẩm mới và thay đổi cách sống, cách làm việc... để thích nghi với môi trường, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Cho đến thập niên đầu thế kỷ 21, theo thống kê trong lĩnh vực tiêu dùng của Market Intelligence Service, mỗi ngày thế giới có khoảng 300 sản phẩm “mới” (có đăng ký nhãn hiệu, không kể các sản phẩm hàng giả, hàng nhái) ra đời. Nhưng rất nhiều sản phẩm không thật sự mới và tốt hơn, thậm chí còn bất toàn hơn cả về chất lượng và sự an toàn cho cá nhân, cộng đồng. Những sự bất toàn ở các sản phẩm ngày càng nhiều và cũng khó thấy ngay, nhiều khi phải qua một thời gian sử dụng (có khi nhiều chục năm) như thuốc men, thực phẩm… và gần đây là những sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) - là những sản phẩm khi đưa vào sử dụng dù đã qua quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt vẫn còn những lỗi (khiếm khuyết), chỉ phát hiện ra sau thời gian dài và những lỗi do bên ngoài đưa vào (sâu, virus...) có thể tạo ra những hậu quả ở nhiều mức độ từ nhỏ cho đến thảm họa toàn cầu!
Alan Turing, cha đẻ của AI với mô hình máy Turing ngay từ năm 1951 đã tiên đoán “sự cố treo máy” và chỉ ra không thể viết được một chương trình kiểm tra được một chương trình có dừng (do lỗi) hay không? Năm 1992, nhà khoa học máy tính G.Chaitin thuộc IBM cũng đã chỉ ra sự tồn tại một hằng số bất định của Tin học (W: xác suất dừng - “treo máy” của mỗi chương trình máy tính) và chứng minh không thể viết một chương trình tối ưu cho một mục tiêu định trước (chỉ có thể viết một chương trình tốt hơn một chương trình đã có). Tất cả những kết quả này đều có cơ sở logic là Định lý bất toàn Gödel. Tôi nhớ lại một thời, thuật ngữ “tối ưu” xuất hiện rất nhiều không chỉ trong các bài báo khoa học mà còn trong công việc, cũng như đời sống hàng ngày: “Thuật toán tối ưu”, “Cần có giải pháp thực hiện tối ưu”, “Mua sắm tối ưu”, “Sắp xếp đồ đạc tối ưu”… rồi dần dần từ tư duy “Tối ưu”, “Tốt nhất” đã chuyển sang tư duy “Tốt hơn”, “Hợp lý hơn”… Sự hoàn hảo tương đối đã thay cho sự hoàn hảo tuyệt đối: Thuyết tương đối của Einstein đã đi vào cuộc sống thường ngày.
Các chương trình máy tính cùng với các thế hệ máy tính ra đời và phát triển hơn nửa thế kỷ qua đã mang lại nhiều thành quả rất tốt đẹp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất toàn gây ra thiệt hại không nhỏ, thậm chí là tai họa, thảm họa toàn cầu, điển hình là các vụ tàu vũ trụ Mariner (1962) bị cháy nổ sau khi phóng, Apollo 13 (1970) mất điều khiển, đường ống dẫn gas xuyên Siberia bị phá hủy (1982), sự cố Y2K…
Những người sáng tạo thực sự luôn luôn hướng về hoàn hảo và không ngừng nỗ lực làm cho công trình, sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn. Một trào lưu sáng tạo hướng về bất toàn cũng đang phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm không hoàn hảo theo các tiêu chí truyền thống nhưng cũng đóng góp rất nhiều cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn! Xin được tóm tắt một số nội dung: - Sáng tạo Tinh gọn. Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu: Từ máy tính lớn → Máy vi tính; smartphone không bàn phím; căn hộ tối giản; dịch vụ máy bay, du lịch giá rẻ, thời trang chất liệu, kiểu dáng đơn giản… - Sáng tạo Bất đối xứng. Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu: Các động cơ máy bay bất đối xứng, kiến trúc nhà ở bất đối xứng, thời trang bất đối xứng, đồ gia dụng bất đối xứng (ấm, chén, đĩa...), Nguyên lý 80/20 trong kinh doanh, tiếp thị...
- Sáng tạo chuyển hóa Khiếm khuyết. Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu: Các đồ vật, cảnh vật Wabi Sabi (khiếm khuyết được tôn tạo thành các vẻ đẹp độc lạ), các sản phẩm từ phế liệu, rác thải... Các giải pháp chuyển hại thành lợi (du lịch mưa, tạo năng lượng từ lực ma sát, gió - bão), canh tác VAC → Kinh tế tuần hoàn...
- Sáng tạo thuận Tự nhiên. Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu: Tàu thủy hiện đại chạy bằng gió nhờ cánh buồm thép, những sản phẩm dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp... thuần khiết tự nhiên (không hóa chất), kiến trúc đưa thiên nhiên vào nhà - căn hộ, bao bì tự hủy, canh tác tự nhiên, trị liệu tự nhiên… → nông nghiệp tự nhiên, y học tự nhiên...
- Sáng tạo Chia sẻ. Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu: Các dịch vụ AirBnB (chia sẻ phòng lưu trú); Uber, Grab (chia sẻ phương tiện đi lại); Giải pháp mã nguồn mở, tài nguyên học liệu mở, phát minh sáng chế mở, không gian làm việc mở, → Kinh tế chia sẻ, Văn hóa chia sẻ…
- Sáng tạo Ảo hóa. Các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu: Đồ dùng học tập ảo (sách, vở, bút, bảng điện tử...); đồ chơi ảo, trò chơi ảo, thú cưng ảo, trợ lý ảo, giáo viên ảo, lớp học ảo, siêu thị ảo, phòng thí nghiệm - thực hành ảo, sân khấu cùng diễn viên ảo (nhóm ca sĩ K-Pop ảo Hàn Quốc, Việt Nam đang tạo nên những cơn sốt cuồng nhiệt trong giới trẻ…). Sắp tới đây, sáng tạo ảo hóa với AI sẽ tạo nên nhiều điều tốt và vẻ đẹp mới - đẹp hơn cả thực và siêu thực nhưng cũng rất bất toàn nếu không kiểm soát được. Mấy hôm nay, trên facebook đang có cơn sốt nhờ AI nâng cấp “chân dung” rất hấp dẫn và thú vị...
Ngày càng nhiều các sáng tạo theo hướng bất toàn. Giáo dục là một lĩnh vực sáng tạo cũng rất nên và thực tế cũng đang theo các hướng bất toàn nêu trên. Rồi sẽ đến lúc các tiêu chí này trở thành tiêu chí mới của sự hoàn hảo trong kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Sáng tạo - Bất toàn.
Cộng hưởng trí tuệ
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới với thế giới thực tại ngày càng mở rộng từ thế giới tự nhiên, thế giới ảo đến thế giới Robot và Hybrid (Người - Máy) - một kỷ nguyên sẽ song hành cùng vô vàn điều kỳ diệu tốt đẹp và cũng vô vàn sự bất toàn. Con người sẽ sống như thế nào trong kỷ nguyên này? Năm 2016, một công trình sáng tạo vô cùng đặc biệt được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Paris mang tên “Cộng hưởng Rừng Đèn”. Công trình gồm 1.000 bóng đèn thủy tinh Murani kết hợp với hàng chục ngàn bóng đèn LED và cảm biến thông minh có thể thay đổi màu sắc, cường độ và hướng ánh sáng theo cử động, bước đi của từng người tham quan. Hơn nữa, xung quanh không gian Rừng Đèn và sàn nhà có lắp gương phản chiếu càng làm tăng thêm vẻ lung linh, huyền ảo cùng cảm giác vô tận của các giao thoa, cộng hưởng ánh sáng khi có nhiều khách tham quan tạo nên vô số cảnh tượng muôn màu, muôn vẻ hết sức kỳ diệu! Công trình này có thể là minh họa thu nhỏ đơn giản về thế giới thực tại gồm thế giới tự nhiên (khách tham quan, không gian triển lãm), thế giới ảo (các tấm gương phản chiếu), thế giới Robot (các cảm biến thông minh và vi mạch điện tử) và các bóng đèn thủy tinh và LED tượng trưng cho sáng tạo theo hướng hoàn hảo và bất toàn.
Rừng Đèn cộng hưởng là ví dụ sinh động gợi ý về sự cộng hợp các xu thế sáng tạo và cộng hưởng trong thực tại đang mở rộng để hướng về kỷ nguyên mới với những sáng tạo kỳ diệu cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp và an lành hơn!
Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và AI sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm và siêu phẩm mới hướng về sự hoàn hảo nhưng cũng kèm theo nhiều lỗi nội sinh (từ hệ thống), ngoại sinh (bị tác động từ bên ngoài) - những bất toàn và siêu bất toàn như những quả mìn và bom nổ chậm vô hình sẽ bất ngờ phát nổ trong tương lai. Tiêu chí an toàn đang trở thành một tiêu chí được coi trọng hàng đầu về sự hoàn hảo của sản phẩm hiện nay.
Truyền thuyết Hy Lạp “Đôi cánh Icarus” hơn 2.000 năm trước đây kể về một chàng trai được cha làm và gắn cho đôi cánh có thể bay lượn trên bầu trời... nhưng không nghe lời cha đã cố bay gần đến mặt trời và bị rơi xuống biển sâu. Đó là bài học cho hậu thế: đừng quá tham vọng đạt tới sự hoàn hảo, hoàn mỹ, sức mạnh tuyệt đối (biểu tượng của mặt trời trong truyền thuyết).
Nhà văn, nhà triết học danh tiếng thời kỳ Khai sáng Voltaire (Pháp) đã từng nhận xét: “Đừng để điều hoàn hảo là kẻ thù của sự tốt đẹp!”. Xưa nay, nhiều người vẫn bị ám ảnh về sự hoàn hảo, hoàn mỹ toàn diện đến mức tuyệt đối.
Thực tiễn đã chỉ ra chủ nghĩa hoàn hảo mang đến nhiều tác hại về sức khỏe, tâm lý mặc cảm, tự ti… cũng như những hệ lụy trong công việc và cuộc sống. Tâm lý học trị liệu gọi đó là Hội chứng hoàn hảo (Atelophobia)