Diễn đàn nhằm đánh giá các sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương gắn với du lịch, kỳ vọng vừa phát triển du lịch và tiêu thụ nông sản. Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP sẽ truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn.
Nhiều doanh nghiệp tham gia diễn đàn |
Về phía ngành du lịch, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho biết, OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nên sẽ trùng lặp khá nhiều. Ở góc độ du lịch, công ty sẽ khó giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong chuyến du lịch. Cho nên, sản phẩm OCOP cần chọn lọc kỹ hơn để mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương nhằm phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải mang tính truyền thống, thủ công để du khách có thể tự trải nghiệm sản xuất ra sản phẩm này. Ngoài ra, nhiều nông dân khi hợp tác với công ty du lịch thường không ổn định, khi có thương hiệu thì sẵn sàng phá vỡ hợp đồng để tìm lợi nhuận cao hơn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị |
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, muốn sản phẩm OCOP phát triển cần có nhiều yếu tố từ địa phương. Các địa phương cần có sự liên kết để hình thành vùng sản xuất quy mô từ các nông hộ, cơ sở; sản phẩm OCOP cần đảm bảo chất lượng để nâng cao thương hiệu. Thời gian tới, Bộ sẽ đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, thông qua các Đại sứ quán, hội chợ OCOP... Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn; Bộ NN-PTNT ký văn bản liên tịch với Bộ VH-TT-DL để phát triển chương trình này. Du lịch nông nghiệp đang là xu hướng của thế giới, lợi thế của Việt Nam.
Lễ khánh thành Không gian OCOP Nhân văn |
Để du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả, Bộ NN-PTNT triển khai các mô hình gắn kết với nhau: câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống. Bộ NN-PTNT giao Văn phòng điều phối nông thôn mới làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.