Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Sáng tạo - Bài học từ Singapore và gợi mở cho TPHCM

Vấn đề cho TPHCM hôm nay là làm sao khai thác và phát huy hết tiềm năng, đưa TP phát triển đi lên, vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đâu sẽ là mô hình và chiến lược phát triển cho TPHCM vươn tầm?

Trong khi đó, không đâu xa, Singapore từ một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba thời chiến tranh lạnh, đã nhanh chóng “hóa rồng”, trở thành một nền kinh tế hàng đầu châu lục. Thành tựu của Singapore để lại nhiều bài học. Sự chuyển đổi và phát triển kinh tế của Singapore có thể trở thành bài học cho các đô thị như TPHCM. 

Sáng tạo - Bài học từ Singapore và gợi mở cho TPHCM ảnh 1 TPHCM cần hướng đến ngành công nghệ chính xác, công nghệ cao.  Ảnh: VIỆT DŨNG
 Nền hành chính trong sạch, dân có việc làm và nhà ở

Singapore là một quốc gia - thành thị có diện tích 721,5km2, dân số năm 2016 là hơn 5,6 triệu người. Khi tách ra từ Malaysia năm 1965 đến nay, Singapore đã dần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của mình, từ sản xuất chế biến thay thế hàng nhập khẩu sang các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, theo xu hướng hiện đại. Người Singapore không chỉ trông chờ vào các mậu dịch hàng hải, họ đã kiến tạo cho mình một vị thế tâm điểm của những chuyển động về kinh tế tri thức và công nghệ hàng đầu trên thế giới. Không chỉ phát huy vị thế địa lý đặc biệt của mình, Singapore đã rất chủ động đón đầu các xu thế phát triển của nền kinh tế, biến mình trở thành thiên đường của giới start-up (khởi nghiệp) khu vực. Có 5 bài học có thể nhắc đến. 

Trước hết, Singapore đã xây dựng được một nền quản trị tốt. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, Singapore đã hướng đến một nền hành chính công trong sạch, hiệu quả, có năng suất cao và thu hút được nhân tài từ các khu vực tư nhân. Bí quyết của người Singapore trong việc trị dứt căn bệnh tham nhũng tràn lan trước đó xuất phát từ một nguyên tắc hết sức đơn giản: Hãy trả lương cho công chức nhà nước thật cao để họ có thể tập trung cho công việc mà không cần phải tham nhũng. Với chính sách này, Singapore đã giải quyết được 2 vấn đề quan trọng của một nền hành chính quốc gia là trong sạch và thu hút nhân tài. 

Thứ hai, Singapore đã đi trước các xu hướng vận động của khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, đặc biệt là đón đầu xu thế start-up của khu vực để trở thành thiên đường cho các công ty khởi nghiệp. Sự phát triển của hệ thống các trường đại học hàng đầu và viện nghiên cứu đã góp phần hình thành nên những nhóm nghiên cứu mạnh, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Thứ ba, Singapore gắn phát triển kinh tế với tạo việc làm cho người dân. Là một quốc gia không có đất sản xuất nông nghiệp, lợi thế ban đầu chỉ dựa vào vị trí của một cảng trung chuyển hàng hải, Singapore chú trọng công nghiệp hóa để tạo việc làm cho toàn dân với mức thu nhập phải ngày càng cao hơn.  

Thứ tư, Singapore làm tốt việc giải quyết vấn đề nơi ở cho người dân bằng nhà ở công. 90% dân số Singapore sinh sống trong các căn hộ do Chính phủ đầu tư và bán lại, đảm bảo nơi ở cho những người có thu nhập thấp trong xã hội. Chính sách này đã đảm bảo cho cư dân của Singapore không phải lo về vấn đề nhà ở. Khi an cư, thì người dân mới có điều kiện sáng tạo, phát triển kinh tế. 

Thứ năm, với mật độ dân số quá cao trong khi diện tích nhỏ bé, Singapore đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, có hệ thống giao thông công cộng tốt, có không gian sống xanh, tạo nên một thành phố đáng sống và bền vững. 

Gợi mở cho TPHCM

Trong tình hình hiện nay, TPHCM cần nhanh chóng hoạch định các chính sách phát triển phù hợp, mang tính đột phá toàn diện. Nghiên cứu những bài học từ sự thành công của Singapore có thể giúp chúng ta rút ra được nhiều vấn đề cho sự phát triển của thành phố. Xét về quy mô, TPHCM có diện tích gấp 3 lần, dân số gấp 1,5 lần Singapore. Về tính chất, cả hai đều là những thành phố cảng, nằm ở vị trí giao thương thuận lợi, có nền kinh tế năng động. Nhiều bài học có thể rút ra cho TPHCM. 

Đầu tiên, TPHCM cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của TPHCM vẫn còn loay hoay chưa tìm được hướng phát triển cho mình, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ còn thấp, chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, chúng ta thấy bài học từ chuyển đổi công nghiệp của Singapore diễn ra rất nhanh chóng. Trung bình người Singapore chỉ mất một thập niên cho một quá trình chuyển đổi công nghiệp và rất chú trọng hướng đến các ngành công nghệ chính xác, công nghệ cao. TPHCM cần sớm có những bước đi mạnh mẽ như vậy, để tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm công nghiệp của mình, tập trung vào các ngành công nghệ cao, gia nhập chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. 

Thứ hai, TPHCM cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống. TPHCM cần có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành lên một hệ sinh thái start-up. Trong hệ sinh thái này, bên cạnh sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, cần có vai trò rất lớn của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án start-up. 

Thứ ba, TPHCM cần không ngừng nâng cao tính hiệu lực hiệu quả của bộ máy công quyền, xây dựng một nền quản trị năng động. Vai trò của chính sách con người trong việc xây dựng nền quản trị quốc gia của Singapore là một bài học vô cùng đắt giá. Một hệ thống công quyền sạch, minh bạch, thu hút nhân tài là một trong những yếu tố quan trọng hình thành một bộ máy quản trị công tốt. Thành phố cần có bước đi mạnh mẽ trong cải cách hệ thống công quyền, xóa bỏ những cơ chế, chính sách đã lỗi thời, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. TPHCM phải đảm bảo đội ngũ quản lý hàng đầu của thành phố phải là đội ngũ trong sạch nhất, xuất sắc nhất. Những giám đốc sở, ngành phải là những người xuất sắc nhất trong lĩnh vực mà họ đảm trách. Bí thư, chủ tịch quận, huyện của TPHCM phải là những người tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất. 

Thứ tư, TPHCM cần quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với liên kết vùng trọng điểm phía Nam. Việc này nhằm giãn dân ra khỏi địa bàn thành phố, giảm áp lực về dân số lên cơ sở hạ tầng và hệ thống an sinh xã hội. Hai giải pháp cơ bản cho vấn đề này là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tại các vùng nông thôn ở các tỉnh lân cận để giảm làn sóng di cư từ nông thôn ra đô thị; đồng thời, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM theo hướng công nghệ cao, giảm sử dụng lao động phổ thông. 

TPHCM có những tiềm năng và động lực quan trọng để có thể sáng tạo, phát triển đột phá, đi đầu cả nước, trở thành một đô thị quan trọng của khu vực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều mà hiện nay cần chính là cơ chế, mô hình phát triển thích hợp nhất để có thể cất cánh phát triển. Những bài học từ Singapore rất hữu ích cho TPHCM hiện nay.

Cán bộ “chân trong chân ngoài”, guồng máy nghiêng ngả, xộc xệch

PHẠM CHÁNH TRỰC - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM 

Xây dựng động lực hành động, động lực vì nước vì dân, chính là giải pháp duy trì và phát huy ngọn lửa năng động sáng tạo cháy mãi. Động lực hành động cho cán bộ đảng viên dựa trên 3 yếu tố hợp thành, quan hệ chặt chẽ với nhau: Lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước thương dân; Môi trường hoạt động, môi trường phục vụ dân chủ, minh bạch, trong suốt, thân thiện; Đời sống vật chất thích đáng.  

Lý tưởng cách mạng, vì nước thương dân, có nội dung trực tiếp phù hợp với giai đoạn hiện nay là xây dựng đất nước ta “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Yếu tố dân chủ ở đây là môi trường làm việc dân chủ, mối quan hệ cấp trên - cấp dưới và nội bộ cơ quan, đơn vị cơ sở hay doanh nghiệp. Môi trường làm việc cần dân chủ và minh bạch, trong suốt và thân thiện. Người cán bộ, đảng viên, công chức hay người công nhân, lao động có tự tin mới có sáng kiến và chủ động trong công việc. Và chỉ có trong môi trường làm việc dân chủ, minh bạch, thân thiện mới tạo được sự tự tin cho cán bộ đảng viên và người lao động, tự tin để tư duy và hành động. 

Đời sống vật chất của cán bộ đảng viên phải được đảm bảo bình thường, nghĩa là người cán bộ đảng viên làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình thì cần nhận được thù lao lương đủ sống để làm việc và nuôi gia đình mình, mà không cần phải làm thêm ngoài giờ. Như thế, ai cũng sống bằng việc làm của mình. Còn để tình trạng cán bộ, công chức và người công nhân lao động mà làm việc này sống bằng việc khác một cách phổ biến thì cơ quan, đơn vị, tổ chức đó sẽ bị nghiêng ngả, xộc xệch, chệch choạc, dẫn tới guồng máy hoạt động không hiệu quả, thậm chí hỏng việc, sai lầm, khuyết điểm…

Ba yếu tố trên, nhất thiết không thể thiếu một yếu tố nào. Chỉ khi nào con người có động lực hành động mạnh mẽ vì nước vì dân thì TPHCM mới duy trì và phát triển được tính năng động, sáng tạo. Đồng thời với xây dựng động lực hành động, động lực phục vụ, thành phố và đất nước phải có luật pháp, kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh. Nếu luật pháp và thực thi pháp luật không đủ nghiêm minh, không răn đe được, thì không thể đảm bảo được môi trường sáng tạo, môi trường sống tốt, môi trường xã hội yên lành, dân chủ, văn minh. 

KIỀU PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục