Theo đơn của ông Nguyễn Văn Khoản (số 100/2 khu phố Long Đại, phường Long Phước, TP Thủ Đức), năm 2017, do tuổi cao sức yếu nên ông Nguyễn Văn Độc sang nhượng lại cho gia đình ông Khoản khu đất có diện tích 1.949m² thuộc thửa đất 10-1 tờ bản đồ số 21, phường Long Phước, quận 9 (theo tài liệu 2003). Do đất đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên hai bên đã lập vi bằng (số 1104/VB) thay cho hợp đồng công chứng.
Tuy nhiên, ngày 11-7-2019, cán bộ phường Long Phước mời gia đình ông Khoản và các bên liên quan làm việc với lý do “có đơn của bà N.T.M.L. và T.N. H. thưa chiếm đất công”. Trong nhiều lần làm việc, phía gia đình ông Độc, ông Khoản đã trình bày việc sang nhượng đất có nguồn gốc rõ ràng, ngay tình. Vậy nhưng, ngày 16-11-2019, UBND quận 9 ra quyết định (QĐ) số 295/QĐ xử phạt vi phạm hành chính hành vi chiếm đất trồng lúa (diện tích 1.949m²), phạt tiền 4 triệu đồng và buộc trả lại đất đã chiếm.
Ông Khoản bức xúc: “Gia đình sang nhượng đất hợp pháp mà bị chính quyền biến thành hành vi vi phạm luật đất đai, chiếm đất trồng lúa bất hợp pháp”. Vậy, khu đất lúa thuộc đất công hay tư nhân và người dân chiếm đất của ai?
Tìm hiểu ở địa phương được biết, gia đình ông Nguyễn Văn Độc sinh sống tại xã Long Phước (cũ), nay là phường Long Phước. Năm 1985, Tập đoàn sản xuất số 7 xã Long Phước ngưng hoạt động và đã cấp cho gia đình ông Nguyễn Văn Độc khu đất có diện tích 1.949m² thuộc thửa 10-1 tờ bản đồ số 21 phường Long Phước, quận 9 (theo tài liệu 2003) để sản xuất.
Về việc này, ngày 25-8-2016, ông Ngô Hữu Nghĩa, Tập đoàn trưởng, Tập đoàn sản xuất số 7 đã xác nhận “Tập đoàn chia đất cho hộ ông Nguyễn Văn Độc”. Theo tài liệu 299/TTg, khu đất thuộc thửa 1056, tờ số 2, xã Long Phước, huyện Thủ Đức, loại đất trồng lúa. Ngày 16-11-2016, Trưởng chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 9 Lê Thị Kim Yến xác nhận “một phần thửa đất số 10-1, tờ bản đồ số 21 BĐC phường Long Phước, quận 9 (theo tài liệu 2003) là khu đất có diện tích 1.949,9m² loại đất trồng lúa, sử dụng riêng”.
Như vậy, khu đất trồng lúa đã được tập đoàn giao cho tập đoàn viên sử dụng ổn định trên 35 năm, đã được xác lập trong sổ sách quản lý của các cấp chính quyền. Dù vậy, ông Lương Văn Bảy, cán bộ địa chính phường Long Phước, cho rằng (trong biên bản làm việc lập ngày 11-7-2019), phần diện tích đất trên thuộc một phần thửa 10, tờ bản đồ số 21 (tài liệu 2003) là đất công do Nhà nước quản lý; việc mua bán, chuyển nhượng của các bên là hành vi vi phạm pháp luật đất đai của Nhà nước (!?).
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), năm 1989, Tổng cục Quản lý ruộng đất đã ban hành QĐ 201/QĐ quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định này, ông Độc là tập đoàn viên sản xuất nông nghiệp, được tập đoàn giao đất, nên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
Theo Điều 100 và 101, Luật Đất đai 2013, khu đất lúa có nguồn gốc do Nhà nước (tập đoàn) giao, người dân sử dụng ổn định trên 35 năm, không có tranh chấp và người dân làm nghĩa vụ thuế đầy đủ cũng đủ điều kiện cấp giấy và không thể gọi là đất công được. Cán bộ phường Long Phước cho rằng đất công là không đúng. Mặt khác, ông Nguyễn Văn Khoản nhận sang nhượng khu đất của ông Nguyễn Văn Độc và ông Độc cũng không có bất kỳ tranh chấp khiếu nại nào. Vì thế, QĐ 295/QĐ của UBND quận 9 xử phạt ông Khoản hành vi “chiếm đất trồng lúa”, đất công là không có căn cứ.