Sáng nay, Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược cho Việt Nam”: Việt Nam thích ứng với sự thay đổi


Sáng nay 27-4, Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” sáng 27-4
Quang cảnh Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” sáng 27-4

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp và các tổ chức cùng thảo luận về những chuyển động của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động như thế nào đến hệ thống tài chính toàn cầu; và Việt Nam cần có những chiến lược nào để thích ứng với những thay đổi đó. 

Thách thức toàn cầu sau đại dịch

Hệ thống tài chính tiền tệ thế giới đang đứng trước những thách thức từ các chính sách tiền tệ và tài khóa của các quốc gia phát triển sau đại dịch Covid-19. Chính sách in tiền để duy trì lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương trong một thời kỳ dài đã không thể giúp kích thích nền kinh tế. Thay vào đó, các gói kích thích kinh tế từ chính sách tài khóa lớn chưa từng có của châu Âu, Mỹ… đã đưa đến những khoản bội chi ngân sách và nợ công cao kỷ lục. Nếu các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam hay Trung Quốc, tỷ lệ nợ công luôn được duy trì dưới mức khuyến cáo là 60% GDP, thì các quốc gia phát triển lại có mức nợ công cao kỷ lục, lên đến trên 130% GDP như Mỹ, hay nợ công của các nước khu vực đồng euro tăng từ 85,9% GDP vào năm 2019 lên trên 100% vào năm 2020. 

Giao dịch ngân hàng qua robot. Ảnh: CAO THĂNG

Theo một nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Carmen Reinhart và Ken Rogoff (2010), cho rằng khi tỷ lệ nợ công vượt quá 90% GDP sẽ gây ra vấn đề trì trệ nền kinh tế hơn là kích thích tăng trưởng. Điều này càng đưa đến sự bất định trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, khi các quốc gia lớn với đồng tiền dùng trong thanh toán, dự trữ toàn cầu đang liên tục in tiền không giới hạn, nhằm tài trợ cho chi tiêu của họ, đã làm thế giới mất niềm tin vào các loại tiền tệ này. Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ cũng đang dần thay đổi lại hệ thống thanh toán, để tránh những tác động bất lợi của chính sách in tiền từ các nền kinh tế phát triển. 

Đại dịch Covid-19 càng cho thấy mức đóng góp trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở các nền kinh tế châu Á đang gia tăng mạnh mẽ, trong khi đó tỷ lệ đóng góp này càng suy giảm trầm trọng đối với các nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Nếu như khi hệ thống tiền tệ toàn cầu được thiết lập mới vào năm 1973, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên đến 35% GDP, thì ngày nay tỷ trọng này chỉ chiếm khoảng 20% và 11% thương mại toàn cầu. Trong khi đó, vị thế đồng USD chiếm đến 40% trong thanh toán toàn cầu, 60% trong dự trữ ngoại hối, 50% trong các khoản vay. Theo sau đó là đồng euro, các nền kinh tế châu Á lại quá ít trong hệ thống tiền tệ này. Do vậy, những chính sách nới lỏng/thắt chặt tiền tệ của các quốc gia phát triển đang gây ra bất lợi trong chính sách kinh tế của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain… đang đưa đến những thay đổi lớn chưa từng có trong lịch sử tài chính tiền tệ. Sự phát triển các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ (thí dụ Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình ra mắt đồng tiền số Nhân dân tệ - DCEP; Facebook đang có kế hoạch tung ra đồng tiền số Diem, hay tiền kỹ thuật số Bakong của Campuchia…), cùng với những biểu hiện về sự suy yếu của hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện nay, có thể đe dọa sự chi phối của đồng USD trong các giao dịch tài chính, thương mại, đầu tư và dự trữ quốc tế. Những thay đổi như thế có thể tạo ra các cơ hội lẫn thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Việt Nam chuẩn bị gì?

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, việc định vị lại nền kinh tế toàn cầu là cần thiết cho chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 

Hội thảo hôm nay sẽ có nhiều đề xuất được đưa ra từ các bài tham luận gửi về ban tổ chức, như những cơ hội có thể mang lại cho Việt Nam từ chính sách lãi suất thấp, kích thích trong chính sách tài khóa mở rộng, dịch chuyển dòng vốn và thương mại toàn cầu, cho đến việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế… là những đề xuất để giúp Việt Nam cất cánh. Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững vẫn là sự lựa chọn được ưu tiên và nhận được nhiều tham luận.

Như phân tích của GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, với dân số gần 100 triệu dân, được thế giới đánh giá có tiềm năng trở thành trụ cột công nghệ của khu vực với “kỳ lân” đầu tiên là VNG, với giá trị thị trường ước tính 2,2 tỷ USD cùng với nhiều startup công nghệ đáng gờm khác (FastGo, Abivin, Logivan, VNPay); tiềm năng này đang chứng kiến làn sóng các quỹ đầu tư mạo hiểm tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, những bất cập trong các quy định nghiêm ngặt về tài chính, chứng khoán đã khiến cho các làn sóng đổi mới công nghệ và các nguồn đầu tư mạo hiểm tài trợ cho chúng gặp nhiều hạn chế nếu không có những “khu đặc biệt” dung nạp. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam phải cần đến cơ chế đột phá để tạo ra các khu kinh tế (SEZ) thế hệ mới theo mô hình khu kinh tế tự do kỹ thuật số (DFTZ). Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, TPHCM được xem là nơi hội đủ nhiều điều kiện lập ra một khu tài chính đặc biệt: Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục