- Miền Bắc: Mưa lũ “nhấn chìm” hơn 1.000 tỷ đồng
- ĐBSCL: Lũ đầu nguồn lên 5-6cm/ngày
(SGGP 12G).- Sáng nay, 29-9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão thứ 7 hoạt động trên biển Đông và có tên quốc tế là Mekkhala. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, hồi 10g sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ vĩ Bắc; 111,5 độ kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/g), giật trên cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to. Từ chiều tối và đêm ngày 30-9, ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trước diễn biến phức tạp cơn bão số 7, sáng nay, 29-9, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện đang có 3.763 tàu với 25.427 ngư dân hoạt động trên biển. Trong đó, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Đông Nam quần đảo Hoàng Sa có 18 tàu với 233 ngư dân đang hoạt động, chủ yếu là ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. Còn lại khoảng 3.745 tàu với 25.194 ngư dân đang khai thác ở khu ven bờ và vùng biển khác.
Sáng nay, Đại tá Ngô Duy Mười, Phó Chỉ huy Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay vẫn còn trên 120 tàu thuyền với gần 2.500 lao động đang hành nghề chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Cũng theo Đại tá Mười, nguyên nhân không liên lạc được với các phương tiện này có thể chủ tàu đã cho neo đậu tàu thuyền an toàn nên tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu hay muốn giữ bí mật về ngư trường đánh bắt hoặc đang theo đuổi luồng cá nên không mở máy liên lạc.
Cũng trong sáng nay, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận yêu cầu khẩn trương kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú ẩn, đồng thời tiến hành quản lý chặt các tàu thuyền đang nằm bờ, không cho ra khơi để đề phòng nguy hiểm.
Về tình hình mưa lũ ở các tỉnh thuộc Đông và Tây Bắc bộ, tính đến sáng nay, đã thống kê được tổng số 41 người chết (tăng thêm 9 người), 5 người khác vẫn đang mất tích và 63 người bị thương. Tổng số nhà cửa bị sập, đổ, trôi là 1.339 căn. Còn nhà cửa bị ngập lụt, hư hại đã tăng lên 10.351 căn. Gần 20.000ha lúa bị hư hại. Tổng thiệt hại về vật chất tạm ước tính là 1.036 tỷ đồng.
Sáng nay, UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành chức năng dự trữ 30 tấn gạo, 10.000 gói mì tôm, 2.000 lít xăng dầu và 10.000 bao tải, đò máy, trang thiết bị y tế sẵn sàng ứng cứu ngay trong mưa lũ. Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã vận động bà con chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo đủ dùng từ 7-10 ngày khi có lũ lớn xảy ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang cho biết, sáng nay lũ đầu nguồn trên sông Tiền, sông Hậu tiếp tục lên nhanh bình quân từ 5-6cm/ngày. Tại Tân Châu, mực nước lũ đạt mức 3,72m; tại Châu Đốc là 3,12m. Dự báo, những ngày tới nước lũ tiếp tục lên nhanh, chảy mạnh vào vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Nhóm PV