Cập nhật thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đến 7 giờ sáng nay 22-7, tâm bão số 2 (Prapiroon) đã di chuyển đến tọa độ khoảng 19,6 độ vĩ Bắc - 109,3 độ kinh Đông (ở phía Tây Bắc đảo Hải Nam - Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Dự báo sáng nay, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/giờ, đi thẳng vào vịnh Bắc bộ.
Theo đó, vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Đến gần sáng 23-7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng trên vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) cao 2-4m, sóng ở vùng biển gần bờ tỉnh Quảng Ninh cao 1,5-2,5m.
Ghi nhận của PV Báo SGGP sáng nay Hà Nội tạnh ráo, có mây. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, từ đêm nay 22-7 đến ngày 24-7, khu vực Bắc bộ đến Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong đó, khu vực ven biển Bắc bộ và khu vực Đông Bắc của Bắc bộ mưa 100-200mm, có nơi trên 250mm; các nơi khác ở Bắc bộ và Thanh Hóa: 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Sáng 22-7, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã ký công văn hỏa tốc gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ đề nghị rà soát các sự cố đê điều, chuẩn bị ứng phó một đợt mưa kéo dài do hoàn lưu sau bão số 2.
Theo công văn, hiện nay, mực nước lũ ở một số sông ở khu vực Bắc bộ (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào, sông Trà Lý, sông Lạch Tray...) lên mức báo động 1-2, đặc biệt một số tỉnh, thành phố ở khu vực hạ du sông Hồng, sông Thái Bình do ảnh hưởng của thủy triều, mực nước sông lên mức báo động 3 (chẳng hạn sông Đào tại trạm Trực Phương - Nam Định lúc 19 giờ ngày 21-7 là 2,64m, trên báo động 3 là 0,04m).
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt là các cống qua đê để chủ động triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông.