Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã có báo cáo nhận định tình hình thời tiết dịp Tết Nguyên đán trên cả nước từ ngày 25-1 đến 2-2.
Đáng chú ý, cơ quan khí tượng này dự báo, nhiệt độ tại khu vực Đông Nam bộ, bao gồm TPHCM, vào ngày 28 và 29-1 (tức ngày 29 tết - tất niên và mùng 1 tết) có thể giảm xuống dưới 20 độ C, mức thấp nhất có thể đạt 19-20 độ C.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, hình thái thời tiết chung ở Nam bộ từ ngày 25-1 đến 2-2 là trời tạnh ráo (không mưa), sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày có nắng.
Theo các chuyên gia khí tượng, một số mô hình thời tiết quốc tế đưa ra nhận định, vào sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ, nhiệt độ thấp nhất tại TPHCM có thể xuống 19-20 độ C, trời se lạnh.
Tuy nhiên, mức nhiệt này chỉ xảy ra lúc nửa đêm về sáng. Sau đó, từ khoảng 8 giờ đến 10 giờ sáng mùng 1 tết, nhiệt độ tại Đông Nam bộ sẽ tăng nhanh trở lại. Mức nhiệt cao nhất buổi trưa trong dịp tết có thể đạt 34-36 độ C.
Do nhiệt độ đêm và ngày chênh lệch rất lớn nên người dân miền Nam cần lưu ý sức khỏe trong dịp tết này.
Nguyên nhân nhiệt độ tại Đông Nam bộ xuống thấp vào ban đêm trong dịp tết là do tác động khuếch tán của một khối không khí lạnh cường độ rất mạnh ở phía Bắc nước ta (xuất hiện từ ngày 25-1).
Chiều 24-1, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia tiếp tục cập nhật thông tin, hiện rìa phía Nam của khối không khí lạnh này đã bắt đầu ảnh hưởng đến miền Bắc và Bắc Trung bộ.
Trong ngày 24-1, Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc đã có mưa phùn, mưa bụi nhưng mức độ ô nhiễm trong không khí chưa giảm. Từ đêm 25-1, không khí lạnh sẽ tiếp tục khuếch tán xuống các khu vực phía Bắc và Trung Bắc bộ.
Khi không khí lạnh tràn về, nhiều nơi có thể mưa to, bầu không khí sẽ được làm sạch tạm thời sau gần 3 tháng trời hanh khô, không có mưa.
Tại miền Bắc, rét đậm, rét hại xuất hiện và duy trì đến tết, nhiệt độ phổ biến chỉ còn 9-12 độ C, vùng núi có nơi dưới 3 độ C, khả năng rất cao xảy ra băng giá và sương muối.