Sáng mãi tinh thần cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ

Các đồng chí lãnh đạo TP và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên TNCS đã dành 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ đến đồng bào, những chiến sĩ cộng sản đã hoạt động cách mạng, tranh đấu cho nền độc lập, tự do của dân tộc và anh dũng hy sinh trên quê hương Hóc Môn 18 thôn Vườn Trầu.

Sáng 23-11, tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Ngã Ba Giồng và Di tích quốc gia - địa điểm Dinh Quận, Đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đến đồng bào, chiến sĩ cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940.

Tham gia đoàn còn có đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn và thân nhân các chiến sĩ trong Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 79 năm trước.

Sáng mãi tinh thần cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung và các đại biểu dâng hương tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Ngã ba Giồng
Các đồng chí lãnh đạo TP và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên TNCS đã dành 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ đến đồng bào, những chiến sĩ cộng sản đã hoạt động cách mạng, tranh đấu cho nền độc lập, tự do của dân tộc và anh dũng hy sinh trên quê hương Hóc Môn 18 Thôn Vườn Trầu.

Cũng trong sáng 23-11, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn tổ chức họp mặt kỷ niệm 79 năm Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Các đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Lê Thành Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM và đại diện lãnh đạo các sở ngành TP và đại diện gia đình thân nhân các chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, đã tham dự họp mặt.

Đồng chí Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đọc diễn văn ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Hóc Môn, Bà Điểm 18 Thôn Vườn Trầu trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cách nay 79 năm. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra, kẻ thù sau đó đã thẳng tay đàn áp dã man hàng ngàn đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đưa đi đày ở các nhà tù. Thực dân Pháp đã lập nên các trường bắn tại Ngã ba Giồng, Ngã tư Giếng Nước…, xử bắn nhiều đồng chí, đồng bào ta. Trong đó có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…

79 năm đã trôi qua nhưng tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn luôn sống mãi với thời gian. Dân tộc ta đã giành được nhưng thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại; đất nước ta thoát khỏi lầm than, nô lệ, giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nhân dân ta đang ra sức thực hiện giai đoạn cách mạng mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự kế tục xứng đáng tinh thần quật khởi, oanh liệt, khí phách anh hùng cách mạng của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Các đại biểu tặng quà cho thân nhân các chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ
Phát huy tinh thần bất diệt của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, phát triển và đã đạt được nhiều thành quả, chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem đến những thay đổi đáng kể cho diện mạo của huyện, hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, các tuyến đường liên xã, liên ấp được nâng cấp, mở rộng, các công trình trường học được đầu tư xây mới, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…
Cùng ngày, tại Di tích lịch sử nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940, xã Xuân Thới Đông, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn tổ chức lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ và đồng bào ta đã anh dũng ngã xuống trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 79 năm trước.

* Ngày 23-11, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khánh thành nhà bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ, đặt tại đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành. 

Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, lần đầu tại đình Long Hưng, người dân địa phương cùng giáo mác, gậy gộc đã đứng lên diệt ác, trừ gian, làm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vang dội. Ngày 25-11-1940, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, đặt trụ sở tại đình Long Hưng. Đây là lần đầu ở Nam bộ và lần đầu ở nước ta, tòa án nhân dân cách mạng cấp tỉnh được thành lập. Tối 29-11-1940, phiên tòa đầu tiên xét xử tay sai thực dân Pháp được tổ chức dưới sự chứng kiến của khoảng 3.000 quần chúng. Tính từ đêm 29-11-1940 đến ngày 1-12-1940, tòa đã mở khoảng 10 phiên xét xử, trở thành công cụ hữu hiệu bảo vệ chính quyền cách mạng và nhân dân.

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục