Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công vào tháng 11-2009. Sau khoảng 10 năm đình trệ với nhiều lần thay đổi nhà đầu tư, thay đổi tổng mức đầu tư, lùi thời hạn hoàn thành dự án và chỉ đạt 10% khối lượng... Đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau khi tái khởi động, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã huy động hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân… xuyên suốt ngày đêm bám sát việc thi công, nhờ đó, tiến độ được đẩy nhanh.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, toàn tuyến cao tốc dài 51,5km nằm trọn địa phận tỉnh Tiền Giang, trong đó có tới khoảng 45km đi qua vùng đất sình lầy, nền đất yếu… khiến công tác gia tải mất khá nhiều thời gian. Việc gấp rút đưa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào khai thác, vận hành phục vụ người dân là thách thức rất lớn cho chủ đầu tư và nhà thầu khi vừa phải chạy đua tiến độ, vừa giải bài toán về chất lượng. Nhưng với sự nỗ lực của tập thể, sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đến nay, dự án đã hoàn thành được khoảng 98% khối lượng, các hạng mục còn lại chủ yếu là đường gom, trạm thu phí.
Hiện, công ty đang theo dõi thời gian lún của tuyến cao tốc. Trước đó, công ty đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhằm rút ngắn thời gian chờ lún của nền đường như tăng mật độ bấc thấm, giảm khoảng cách cắm bấc thấm từ 2m xuống còn 1,2 - 1,5m…
Ông Cao Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, theo tiêu chuẩn thiết kế đường qua nền đất yếu, dự kiến thời gian tắt lún hoàn toàn là 15 năm kể từ thời điểm đưa vào sử dụng, với độ lún cho phép còn lại là 30cm.
“Khi đưa vào vận hành khai thác, nền đường có thể tiếp tục lún do kết cấu nền đất yếu và phức tạp của khu vực ĐBSCL. Điều này hoàn toàn nằm trong dự kiến và chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ độ lún để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công trình…”, ông Cao Văn Nghĩa nói.