Các địa phương, đơn vị đang thực hiện những công đoạn cuối cùng của việc đánh giá cán bộ cuối năm và bình bầu thi đua. Cả nước cũng đang tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Trong bối cảnh đó, việc rà soát, sàng lọc, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới để bố trí vị trí công việc khi sắp xếp tổ chức bộ máy và giới thiệu vào cấp ủy nhiệm kỳ tới là vô cùng quan trọng.
Điều đó đặt ra yêu cầu phải làm thật tốt công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ. Đặc biệt, đối với các cán bộ, đảng viên có dư luận không tốt hay những trường hợp có đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo thì cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng và xử lý dứt điểm.
Công tác xử lý đơn thư phải nghiêm túc, hiệu quả, với sự xác minh rõ ràng, khách quan và đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh oan sai hoặc bỏ sót vi phạm. Kết quả xác minh cần được đánh giá, kiểm điểm công khai để các bên liên quan có cơ hội giải trình, từ đó đưa ra các quyết định xử lý phù hợp và nhân văn.
Hẳn dư luận chưa quên những vụ việc, vụ án nghiêm trọng liên quan đến sai phạm của nguyên lãnh đạo là bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành trong thời gian vừa qua và hiện nay đang được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, xử lý. Thậm chí mới đây đã có cựu bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh bị tuyên phạt tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Một cán bộ để được bầu, bố trí các chức danh bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh thì không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình, qua nhiều khâu, nhiều tầng kiểm tra, đánh giá. Nếu công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả trong từng khâu, từng bước, từ đề xuất của cơ sở và sự rà soát, thẩm định khách quan của các cơ quan tham mưu đến hiệu quả trong kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm soát tài sản, thu nhập thì sẽ sàng lọc được và không bố trí những cán bộ “có vấn đề” vào vị trí cao hơn.
Sự chậm trễ phát hiện, dẫn đến vi phạm của một số cán bộ “mang tính hệ thống, kéo dài” có thể là do không có đơn thư phản ánh, khiếu nại. Nhưng nếu những trường hợp có dư luận xấu hay đơn thư phản ánh có sai phạm mà không được sớm xác minh, kết luận kịp thời trước khi bố trí vào chức vụ cao hơn rồi bị xử lý kỷ luật, thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là gây tổn hại đến uy tín của Đảng.
Sàng lọc tốt không chỉ giúp lựa chọn cán bộ tinh nhuệ, mà còn xử lý kịp thời các trường hợp có dư luận không tốt và tạo tính răn đe đối với những cán bộ khác. Điều này cũng là thực hiện tốt yêu cầu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 25-11 khi trao đổi về chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội).
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, việc kiểm điểm, đánh giá kỹ lưỡng và xử lý nghiêm minh cán bộ có dư luận xấu hoặc có sai phạm sẽ giúp sàng lọc, lựa chọn được cán bộ tinh nhuệ, là nền tảng quan trọng để sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Trước tiên, khi lựa chọn và bố trí đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất và năng lực đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, sẽ tạo tác dụng tích cực, giúp ổn định tâm lý và tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức để nhập cuộc tốt sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về lâu dài, điều này đảm bảo sẽ “tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị” sau tinh gọn tổ chức bộ máy, như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 1-12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.