Tiền bạc không chỉ là một phương tiện để giao dịch, một cơ sở ổn định để đánh giá tài sản của một cá nhân, hộ gia đình hay một doanh nghiệp, mà nó còn có chức năng khác và quan trọng nhất: tiền tệ thể hiện chủ quyền quốc gia.
Tiền tệ là một phương tiện giao dịch, và cũng là biểu tượng quyền lực của một quốc gia, do đó mọi toan tính cạnh tranh sẽ bị trừng phạt thật nặng. Việc làm tiền giả hay những hình thức sử dụng tiền bạc không đúng chức năng (như dùng tiền mệnh giá thấp để làm thẻ gửi xe, hay làm cây tài lộc bằng tiền thật) đều là những hành vi thách thức chủ quyền quốc gia và quyền lực tối cao của Nhà nước. Do đó, để thể hiện chủ quyền cũng như quyền lực quốc gia, mọi nhà nước đều phải giữ được độc quyền của mình về việc in và phát hành tiền bạc.
Tất cả các quốc gia đều quy định những hình phạt nghiêm khắc cho việc làm tiền giả hay sử dụng tiền theo cách làm mất đi tính biểu tượng của nó. Chẳng hạn Bộ luật Hình sự của Pháp kết tội làm tiền giả bằng 10 năm tù và xem việc làm tiền giả là “chống nhà nước, dân tộc và sự bình an của cộng đồng” (Điều 442-1). Tại Điều 207 Bộ luật Hình sự Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 cũng quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Như vậy không chỉ ở Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia khác trên thế giới, mọi hành vi “đùa giỡn” với tiền bạc đều phải chịu sự trừng phạt nặng nề của pháp luật.
Trong thời cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt như hiện nay, việc làm ăn kinh doanh dựa rất nhiều vào óc sáng tạo, dựa trên khả năng đưa ra các sáng kiến khác biệt. Tuy nhiên, mọi sáng tạo, mọi sáng kiến đều phải dựa trên luật pháp và các chuẩn mực, giá trị của xã hội, bởi chúng quy định những nguyên tắc nền tảng mà chúng ta phải tôn trọng chứ không thể thách thức được.