Cuối tháng 3-2018, một người dân ngụ ở đường số 38 khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) lo sợ một cơ sở sản xuất vàng mã trong hẻm gây ra hỏa hoạn, đã điện thoại đến đường dây nóng của UBND phường. Từ phản ánh của người dân, lực lượng chức năng địa phương kịp thời yêu cầu chủ cơ sở trên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, Trần Minh Tú giới thiệu về 2 đường dây nóng mà địa phương đã thiết lập. Đó là đường dây tiếp nhận, xử lý thông tin về an ninh trật tự, an toàn xã hội, do công an phường trực, xử lý 24/24 giờ và đường dây xử lý thông tin về trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng lề đường… do cán bộ tư pháp phường tiếp nhận, hoạt động trong giờ hành chính. Qua đó, phường đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về các vụ xây dựng lấn rạch, cờ bạc… và kịp thời xử lý. Trong công tác quản lý địa bàn, phường không thể nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thông tin về trật tự, an toàn xã hội, cũng như các vấn đề khác. Vì vậy, từ chủ trương của Đảng ủy phường, UBND phường thiết lập đường dây nóng và xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin với thời hạn cụ thể. Đường dây nóng hoạt động hiệu quả đã giúp kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như giúp phường khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Qua đó giúp Đảng ủy, HĐND, UBND phường kịp thời có những chủ trương phù hợp, sát thực tế. “Phường đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng cũng là thực hiện theo chủ trương Năm dân vận chính quyền”, đồng chí Trần Minh Tú khẳng định.
Từ mong muốn nhận được nhiều phản ánh của người dân trên địa bàn, phường Hiệp Bình Chánh cho in danh thiếp số điện thoại đường dây nóng rồi phát rộng rãi, mời người dân cung cấp thông tin. Tại nhiều tuyến đường, phường gắn panô ghi số điện thoại nhận phản ánh theo từng nhóm thông tin… Panô còn gom cả bảng chỉ tên đường, bảng chỉ dẫn của các cơ quan, xí nghiệp, nhờ đó giảm bớt các biển báo, giúp đảm bảo mỹ quan đô thị hơn.
Chương trình “Mở cửa ngoài giờ”
Cùng thực hiện Năm dân vận chính quyền, Đảng ủy, UBND phường Bến Thành (quận 1) có cách làm chủ động khác. Ghi nhận của phóng viên vào gần 19 giờ ngày 10-5, bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chứng thực giấy tờ của phường vẫn hoạt động. Các cán bộ, công chức ở phường vẫn miệt mài kiểm tra, trình ký giấy tờ cho người dân. Ông Vũ Anh Toàn (thường trú tại phường Bến Thành, tạm trú tại quận 3) cùng vợ con đang ngồi chờ giải quyết hồ sơ cho biết, vợ chồng ông vừa đón con đi học về. Biết phường Bến Thành mở cửa phục vụ người dân ngoài giờ hành chính, ông chở vợ con ghé chứng thực các giấy tờ. Bà Phan Thị Tú Lan cho biết nhà mình ở quận 10 chứ không phải ở phường Bến Thành. Làm công việc bán hàng, mỗi ngày bà phải có mặt ở tiệm suốt từ 8 giờ đến 18 giờ nên không thể sắp xếp thời gian đi chứng giấy tờ trong giờ hành chính. “Thật tốt khi có những nơi làm việc ngoài giờ như thế này mà lệ phí vẫn không thay đổi”, bà Tú Lan nhận xét và đánh giá đây là việc làm rất có ý nghĩa, đề nghị nhân rộng mô hình này ở những nơi khác.
Theo đồng chí Nguyễn Huỳnh Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Bến Thành, phường đang thí điểm chương trình “Mở cửa ngoài giờ” để chứng thực giấy tờ cho người dân. Trước mắt, phường làm việc từ 17 giờ đến 19 giờ 30 vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần. Đây là công trình thanh niên, nằm trong mục tiêu cải cách hành chính. Do đó, lãnh đạo phường rất ủng hộ các bạn trẻ trong chi đoàn phường thực hiện, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Hoạt động thí điểm đã triển khai 3 tuần, số người dân đến sử dụng dịch vụ hành chính công chưa nhiều nên phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, thông tin đến các khu phố, tổ dân phố. Đồng chí Nguyễn Huỳnh Thế Trường nhận xét, công trình được nhiều người dân hưởng ứng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân tốt hơn.
Ngoài công trình thanh niên trên, Đảng ủy phường Bến Thành cũng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, như thường xuyên tiếp nhận các phản ánh của người dân về lĩnh vực trật tự đô thị, xây dựng, vệ sinh môi trường, ô nhiễm tiếng ồn… Qua đó, phường cũng từng bước hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân tốt hơn.
Chính quyền cơ sở nhiều nơi ở TPHCM cũng có các sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, giúp người dân tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc giải quyết hồ sơ. Có thể kể đến phường Đa Kao (quận 1) với việc đưa vào hoạt động website www.phuongdakao.gov.vn để giúp người dân thực hiện các giấy tờ hồ sơ đăng ký về các lĩnh vực tư pháp - hộ tịch; địa chính - xây dựng; thông báo về điện, nước; tiếp nhận đơn thư, hình ảnh phản ánh, tố giác tội phạm...
Tương tự, phường Tân Định (quận 1) cũng xây dựng trang web về dịch vụ công trực tuyến (http://dvctt.tandinh.gov.vn/chungtu.aspx) để người dân thuận tiện đăng ký hồ sơ trích lục hộ tịch (bản sao khai sinh, bản sao khai tử, bản sao đăng ký kết hôn), đăng ký hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn và giám hộ) hoặc các thủ tục trong lĩnh vực địa chính - xây dựng (xác nhận tình trạng nhà ở để nhập hộ khẩu, thông báo ngày khởi công công trình, thông báo sửa chữa cải tạo nhà ở…).
Thông qua các trang web này, người dân không cần trực tiếp đến phường nộp hồ sơ, đề nghị giải quyết các thủ tục đã nêu, mà có thể ở bất cứ đâu và vào các trang web này để tải, điền vào các mẫu đơn những thông tin cần thiết (họ tên, số CMND, địa chỉ liên hệ, điện thoại liên hệ…) và chụp ảnh những giấy tờ liên quan đính kèm theo là hoàn tất yêu cầu. Đến hẹn, người dân mang giấy tờ gốc liên quan đến phường sẽ được trả kết quả.