Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản tham gia ý kiến của Chính phủ với dự án luật theo hướng: tuy đã được chuẩn bị một cách nghiêm túc, công phu, nhưng về cơ bản, dự án Luật có nhiều vấn đề chưa hợp lý, rất khó có thể khắc phục, nhất là về phạm vi điều chỉnh; về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; về bảo đảm tính minh bạch và khả thi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ thấy rằng việc xây dựng, ban hành Luật này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về trình tự, thủ tục và nội dung; không bảo đảm tính khả thi. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật này là chưa cần thiết. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, sự nỗ lực, cố gắng của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và Ban soạn thảo trong việc đề xuất và chủ trì xây dựng dự án Luật. Những kết quả nghiên cứu xây dựng dự án luật có giá trị sẽ được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sử dụng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan.
Trước đó, ngày 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án luật này và đa số thành viên UBTVQH cũng cho rằng dự án Luật có một số hạn chế nhất định, như chưa lý giải, làm rõ được luật sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập cụ thể nào của nền hành chính nước ta hiện nay; do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này. Bên cạnh đó, dự thảo cũng chưa lý giải thuyết phục được Luật này thể chế các quan điểm, chính sách nào của Đảng, quy định nào của Hiến pháp, nội luật hóa được các cam kết quốc tế nào như mục đích đặt ra trong Tờ trình.