Đây là dự án luật duy nhất, tính đến thời điểm này, là sáng kiến lập pháp của một cá nhân ĐBQH. Trưởng Ban soạn thảo là nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Dự án Luật Hành chính công được ĐB Trần Thị Quốc Khánh đề xuất từ năm 2013 và đã được Quốc hội khoá 14 đồng ý đưa Dự Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Với 7 chương, 54 điều, Dự án Luật có nhiều điểm mới so với pháp luật hiện hành.
Đáng chú ý, trong điều 6 quy định về các hành vi tự nghiêm cấm đã nghiên cứu thể chế hóa 27 hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (theo Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ).
Những quy định mới của Dự án Luật được coi là đã tạo hành lang pháp lý hữu hiệu, góp phần chuyển đổi nền hành chính “mệnh lệnh”, “giấy tờ”, “xin- cho” sang nền hành chính “phục vụ”, “điện tử”, “hợp tác công- tư”; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, chống “sự trì trệ, vô cảm” (nhất là địa phương, cơ sở), nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, hành chính công; đồng thời tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Dự án Luật khi được thông qua và triển khai thực hiện sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công đã gửi hồ sơ xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành và đã nhận được ý kiến của 18/22 bộ, ngành; hầu hết ghi nhận sự cần thiết xây dựng Luật Hành chính công.
Chính phủ đã có dự thảo ý kiến ban đầu về dự án. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã có ý kiến ban đầu.