Ý tưởng từ trải nghiệm của bản thân
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, anh Dương Quang Kiều về quê làm việc về điều khiển tự động và cải tiến máy móc cho một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn huyện Núi Thành. Thời gian rảnh rỗi, anh Kiều tranh thủ mày mò với máy móc, thỏa đam mê từ nhỏ.
Vào năm 2019, anh Kiều cùng một nhóm bạn đến vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Thời điểm này vào mùa đông, việc tắm giặt hay sinh hoạt rất khó khăn, nước từ suối dẫn về để sử dụng rất lạnh, để sưởi ấm, mọi người chỉ có thể đốt lửa rồi ngồi xung quanh.
“Về xuôi, hình ảnh người dân, các em học sinh ở vùng cao chịu đựng mùa đông buốt giá cứ quanh quẩn trong đầu, thôi thúc tôi làm điều gì đó. Tôi nhớ ra việc người dân dùng bếp củi để nấu nướng tỏa ra lượng nhiệt dư thừa rất nhiều nên muốn dùng nó để tạo ra nước nóng, lưu trữ, sử dụng. Nghĩ là làm, sau 5 tháng mày mò nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần, chiếc bếp dùng củi vừa nấu ăn vừa tạo nước nóng được ra đời”, Kỹ sư Dương Quang Kiều chia sẻ.
Bếp được anh đặt tên Hệ thống bếp củi tạo nước nóng miền quê Việt và có tên khác là Hệ thống bếp nước nóng T-Sona. Hệ thống Bếp nước nóng T-Sona gồm hai phần, gồm bếp củi (thân bếp có dạng rỗng để chứa nước ở xung quanh) và bồn bảo ôn chứa nước, kết nối với nhau bằng ống chịu nhiệt.
Khi đun nấu, lượng nhiệt thừa xung quanh bếp sẽ được hấp thu làm nóng nước bên trong. Khi nước bên trong bếp nóng lên thì cơ chế đối lưu nhiệt sẽ làm cho phần nước ở phía trên bếp di chuyển ngược lên bồn bảo ôn thông qua ống dẫn nước. Bếp cháy khoảng 3 phút sẽ có nước nóng để sử dụng, cháy khoảng 3 giờ thì nước sôi, lưu trữ 3 ngày trong bồn chứa thì mới nguội.
Không có ý định thương mại
Sản phẩm đầu tay được anh Kiều lắp đặt thử nghiệm tại xã Trà Linh, sau đó hoàn thiện dần từ thực tế sử dụng. Đến nay, anh Kiều đã có hai sản phẩm tùy theo mục đích sử dụng là loại bếp 75 lít và loại 150 lít với giá thành lần lượt là 7,5 triệu đồng và 11,5 triệu đồng. Dù sản phẩm tối ưu được nhiều mặt, phù hợp với điều kiện miền núi khắc nghiệt nhưng anh Kiều cho biết không có ý định thương mại.
“Do điều kiện kinh tế không cho phép, mình không thể tặng miễn phí sản phẩm cho các điểm trường hay bà con được. Do đó, mình kết nối với các hội nhóm thiện nguyện để cung cấp sản phẩm. Giá thành trên là mức thấp nhất và có độ bền cao chừng 20 năm do sử dụng bếp bằng inox. Số tiền trên chỉ lấy đủ để mua vật liệu, thuê nhân công chế tạo bếp và lắp đặt”, Kỹ sư Kiều chia sẻ.
Đến nay, anh đã lắp đặt khoảng 20 hệ thống bếp cho các điểm trường ở địa bàn Nam Trà My thông qua các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Hiện anh vẫn tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp hệ thống và giảm giá thành để tiếp cận được nhiều nơi hơn. Sản phẩm đã được nộp đăng ký bản quyền sáng chế vào năm 2022.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau khi nghe tin anh Kiều chế ra hệ thống bếp tạo nước nóng nên đã kêu gọi hơn 50 triệu đồng để đặt hàng lắp đặt ở 4 điểm trường. Bếp sau khi lắp đặt chứng minh được hiệu quả cao.
“Hệ thống khi đun nấu làm nóng nước nhanh, nước đem dùng nấu ăn, để học sinh tắm. Mỗi bếp có thể giúp 30-40 em học sinh tắm liên tục vào mùa đông rất thuận tiện. Bếp củi của anh Kiều có giá thành cao hơn bếp năng lượng mặt trời nhưng hợp lý vì mùa đông ở núi cao ít có nắng. Mình đang đặt hàng anh Kiều cải tiến bếp sử dụng từ bếp gas. Vì hiện các trường nấu ăn bằng bếp gas, quá trình nấu nhiều nên lượng nhiệt dư thừa rất lớn”, thầy Vỹ chia sẻ thêm.
Vào năm 2023, tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, đề tài Hệ thống bếp củi tạo nước nóng miền quê Việt của anh Kiều đạt giải nhì (cuộc thi không có giải nhất) lĩnh vực vật liệu, hóa chất, năng lượng. Tháng 5 vừa qua, đề tài của anh tiếp tục nhận được giải Sáng kiến tại cuộc thi Sáng kiến khoa học 2024, hạng mục vinh danh sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi.