Chiều thứ tư hàng tuần, một nhóm tình nguyện viên là các sinh viên cơ khí, kỹ thuật viên hoặc những người có kinh nghiệm về điện tử, thường đến quán cà phê De Meervaart ở Amsterdam để sửa chữa các thiết bị. “Nhiều người có ngân sách eo hẹp sống ở khu vực này đã mang nhiều loại máy móc bị hỏng tới đây để được sửa chữa. Họ chỉ cần gửi lại khoảng 1 EUR vào quỹ quyên góp của chúng tôi thay vì phải trả cả trăm EUR để mua thiết bị mới”, anh Kim Zuiver, quản lý quán cà phê, cho biết. Chính vì vậy, quán đã trở thành một điểm đến quen thuộc của cả những tình nguyện viên lẫn khách hàng, bởi họ vừa có thể nhâm nhi một tách cà phê trong lúc chờ đợi sửa thiết bị, vừa giảm được chi phí cho gia đình. Anh Edward Tonino, một trong những thợ sửa chữa tại đây, cho biết: “Thông thường, chúng tôi có thể sửa chữa khoảng 80% những đồ vật hay thiết bị hỏng hóc mà mọi người mang đến”.
Quán cà phê De Meervaart là một trong mạng lưới hàng chục quán cà phê trên khắp Amsterdam, nơi những tình nguyện viên tham gia sửa chữa những món đồ cũ, hỏng hóc để có thể tái sử dụng và kéo dài vòng đời. Đồng thời, có nhiều du khách, người quan tâm ghé thăm quán để học hỏi những kỹ năng mới, giúp họ biết cách sửa chữa một vài đồ đạc đơn giản trong nhà. Trước khi đến, khách hàng có thể liên hệ trước với quán để xem tình trạng thiết bị của mình có thể khắc phục hay không, cũng là cách để quản lý quán sắp xếp để tránh phải chờ đợi khi có quá đông người. Có cả một danh sách dài lò vi sóng, ấm đun nước, máy hút bụi, điện thoại, máy tính… đều là những thiết bị cần thiết để cung cấp thực phẩm, đồ uống, vệ sinh, liên lạc hay giải trí. Việc sử dụng thiết bị điện tử ngày nay đã là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu, nhưng chỉ cần một bộ phận bị trục trặc cũng có thể rất tốn kém. Khi chi phí sinh hoạt tăng cao, ngày càng có nhiều người tìm cách tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu, nên các tiệm cà phê sửa chữa như De Meervaart đang trở nên phổ biến.
Sáng kiến này được nhân rộng sang các nước châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ và đặc biệt phát triển mạnh ở Anh với quán cà phê sửa chữa Tunbridge Wells do Chris Murphy điều hành. Tunbridge Wells có các trạm sửa chữa bao gồm hàng điện tử, hàng cơ khí, dụng cụ làm vườn, đồ công nghệ, đồ trang sức, quần áo dệt may cũng như các mặt hàng linh tinh khác như đồ gốm sứ vỡ cho đến thú nhồi bông, ghế, vali và thậm chí cả dù… Chris tiết lộ: “Chúng tôi có tỷ lệ sửa chữa thành công khoảng 80%, điều này đem lại niềm vui cho nhiều người”. Cho đến nay, quán cà phê đã quyên góp được hàng ngàn bảng Anh cho hoạt động từ thiện.
Theo Diễn đàn Thiết bị điện và rác thải điện tử, chỉ riêng lượng rác thải điện tử bị bỏ đi trong năm 2019 đã trị giá hơn 57 tỷ USD. Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới lối sống xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, các mô hình tái chế và tái sử dụng thiết bị điện tử lại càng nhận được sự ủng hộ và quan tâm của đông đảo cộng đồng.