“Lúc trước, không chỉ sạp của tui mà cả những sạp khác trong khu C này cũng ít khách lắm. Ở trên đầu là mái tôn cũ nên rất nóng, mình là người bán hàng nên đành phải ngồi ở sạp, chứ khách hàng vào khu này một chút xíu là đã quay ra. Quần áo còn đỡ, chứ giày dép thì bị hở keo hết. Từ lúc Ban quản lý chợ gắn hệ thống phun sương, tiểu thương mừng lắm vì đã có khách vào mua hàng”, bà Hoàng Thị Cúc (tiểu thương ngành hàng quần áo, giày dép tại chợ Nguyễn Tri Phương) kể.
Hệ thống phun sương làm mát giải nhiệt khu C chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) là sáng kiến của anh Nguyễn Kim Long - nhân viên phụ trách hệ thống điện, nước của chợ.
Khu C có khoảng 100 gian hàng, kinh doanh vải sợi, giày dép, mỹ phẩm... Do thiết kế nên các nền gian hàng ở khu này gần với mái tôn hơn các khu khác, hàng ngày tiểu thương phải bán hàng trong cái nóng oi bức hầm hập. Vì vậy, cấp ủy và lãnh đạo Ban quản lý chợ chỉ đạo anh Long nghĩ cách để giải quyết tình trạng trên, bằng mọi giá để khách hàng vào được khu C, tạo thuận lợi cho tiểu thương buôn bán.
Từng đưa con đi khám bệnh, thấy trong bệnh viện có hệ thống phun sương làm mát rất hiệu quả, anh Long đề xuất lắp đặt hệ thống này trên mái nhà khu C. Đề xuất được Ban quản lý chợ thông qua, anh Long tìm hiểu các sản phẩm trên thị trường rồi nghiên cứu thiết kế để hệ thống phun sương vừa đơn giản dễ lắp đặt, vừa tiết kiệm và hiệu quả cao. Năm 2017, hệ thống được lắp đặt đã đem lại sự hài lòng cho các tiểu thương của khu C.
Một câu chuyện khác về sự tận tâm trong công việc của anh Long được các tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương nhắc đến là chuyện cải tiến hệ thống điện. Trước đây, cứ 20 gian hàng thì dùng chung một đồng hồ điện, một cầu dao điện. Do đồng hồ điện đã cũ, chất lượng không tốt nên lượng điện bị hao hụt nhiều, tiền điện các tiểu thương phải trả tăng cao. Cũng do chất lượng đồng hồ điện xuống cấp, sợ bị hoạt động quá tải nên Tết Nguyên đán những năm trước, dù tiểu thương bán trễ nhưng Ban quản lý chợ chỉ có thể cho mở điện đến 20 giờ để đảm bảo an toàn.
Ý nghĩ làm thế nào để cải thiện tình hình này cứ luôn ở trong lòng anh Long. Được sự đồng ý của lãnh đạo chợ và sự đồng tình của các tiểu thương, anh Long bắt tay cải tiến, thiết kế nguồn điện và đường dây điện đến từng gian hàng, đồng thời đề xuất thay mới toàn bộ thiết bị và dây dẫn điện, lắp mới 2 tủ điện bù công suất phản kháng. Nhờ vậy không chỉ đảm bảo mỹ quan chợ mà còn giảm chi phí điện hàng tháng, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và an toàn về điện.
Với một số tiểu thương còn chần chừ, anh Long kiên trì trò chuyện, thuyết phục để họ thuận ý. Đến nay, mỗi gian hàng trong chợ đều đã có đồng hồ điện, cầu dao điện riêng, nếu chẳng may có sự cố xảy ra thì sẽ không ảnh hưởng đến các gian hàng khác. Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, điện được mở sáng đến tận 22 - 23 giờ và từ 27 Tết thì mở 24/24 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương buôn bán đến khuya.
Danh hiệu “Cây sáng kiến” đối với anh Long có lẽ không quá lời. Không chỉ có những cải tiến vì quyền lợi của tiểu thương, anh còn có sáng kiến cải cách hành chính trong ghi chỉ số và thông báo chỉ số điện, nước.
Theo quy trình cũ, khi kiểm tra chỉ số điện, nước của các gian hàng, anh Long và đồng nghiệp sẽ ghi vào quyển sổ; sau đó về nhập số liệu vào máy vi tính rồi in ra bảng danh sách thu tiền, gửi cho thu viên (người phụ trách thu tiền). Từ năm 2016, khi kiểm tra, anh Long sử dụng phần mềm Excel trên điện thoại để cập nhật số liệu mới và gửi mail ngay cho thu viên để thu tiền. Quy trình cũ đòi hỏi từ 2 - 3 nhân viên ghi điện, nước và thời gian hoàn thành công việc kéo dài 4 ngày; trong khi với quy trình mới, thời gian bằng nhau nhưng chỉ cần 1 nhân viên để hoàn thành công việc, đồng thời giảm được chi phí in bảng danh sách. Chưa kể, với phần mềm này, anh Long có thể thông báo số tiền phải đóng ngay tại chỗ cho tiểu thương, tạo niềm tin về sự minh bạch các khoản mà Ban quản lý chợ thu hộ cho ngành điện, nước.
Tận tâm với công việc, vui vẻ, hòa nhã với mọi người là những lời nhận xét của tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương về anh Nguyễn Kim Long. Do tính chất công việc, tuy làm giờ hành chính nhưng mỗi khi có sự cố xảy ra như cống nghẹt hay máy bơm không chạy, dù đang đêm hay cuối tuần, anh đều vào giải quyết. Dẫu anh khiêm tốn cho rằng tất cả chỉ là những việc thuộc nhiệm vụ phải làm, nhưng với cấp ủy, lãnh đạo Ban quản lý chợ và các tiểu thương, người đảng viên trẻ này đã học và làm theo Bác bằng những việc cụ thể nhất.