Sáng kiến bảo vệ “lá phổi xanh” của TPHCM

Ngồi tại phòng làm việc, chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh, ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt vẫn có thể theo dõi hiện trạng khu rừng ngập mặn Cần Giờ với diện tích gần 35.000ha và quản lý được nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng của các phân khu, đơn vị quản lý rừng.
Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt kiểm tra tình hình rừng ngập mặn bằng ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ
Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt kiểm tra tình hình rừng ngập mặn bằng ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ

Sáng kiến từ thực tế khó khăn

Khi qua phà Bình Khánh đến địa phận huyện Cần Giờ, nhiều người sẽ cảm nhận được cảm giác yên bình, tươi mát từ những rặng cây xanh bạt ngàn bao bọc đường Rừng Sác dài hàng chục kilômét. Đây được xem như “lá phổi xanh” của TPHCM - với Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Để có được “lá phổi xanh” diện tích gần 35.000ha tràn đầy nhựa sống, hàng chục cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đã đóng góp rất nhiều công sức.

Gắn bó với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ từ năm 2006 đến nay, ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, chứng kiến sự thay đổi từng ngày của những cánh rừng ngập mặn.

Gần 18 năm gắn bó với rừng ngập mặn, ông Kiệt nhận ra nếu chỉ sử dụng sức người, đo vẽ thủ công trong việc quản lý khu rừng thì vừa không đảm bảo độ chính xác vừa tiêu hao rất nhiều nhân lực, thời gian. Bởi với diện tích gần 35.000ha rừng ngập mặn nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ chỉ có khoảng 40 người trực tiếp tham gia công tác quản lý. Đồng thời, ban quản lý giao khoán cho 126 hộ dân và 11 đơn vị tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. “Với diện tích rừng hiện nay và số người như vậy thì không thể quản lý được. Việc phát hiện những khu vực cây chết không rõ nguyên nhân cũng vô cùng khó khăn”, ông Kiệt bày tỏ.

Từ thực tế đó, ông Kiệt nung nấu ý tưởng áp dụng công nghệ vào công tác quản lý rừng, và cho ra đời sáng kiến “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý tài nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ”. Ông Kiệt sử dụng nhiều phần mềm như MapInfo, Google Earth, Envi, Locus Map để phân tích, xây dựng dữ liệu cũng như giám sát, theo dõi diễn biến rừng và công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Nhờ sáng kiến này, ông Kiệt chỉ cần ngồi tại phòng làm việc của mình cũng có thể theo dõi sự thay đổi từng ngày của rừng cũng như quản lý công tác tuần tra, giám sát của các lực lượng bảo vệ rừng. “Việc sử dụng công nghệ giúp ích rất lớn cho việc quản lý rừng. Từ năm 2016 đến nay, tôi đã phát hiện hơn 100ha rừng bị chết với hình ảnh rõ nét, có diện tích chính xác để làm cơ sở đề xuất tác động phục hồi lại rừng”, ông Kiệt cho biết.

Nâng chất quản lý rừng

Bật chiếc điện thoại thông minh để giải thích những ưu điểm trong sáng kiến của mình, ông Kiệt giải thích: trước đây khi đi tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng tuần tra phải mang theo các thiết bị chuyên dụng như máy định vị GPS. Tuy nhiên, trong môi trường nước mặn, độ ẩm cao thì các thiết bị này rất nhanh xuống cấp, hư hỏng, việc mua sắm thiết bị cũng rất khó khăn. Với ứng dụng GIS, lực lượng tuần tra không cần sử dụng đến máy định vị GPS mà chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể đến chính xác từng điểm một cách nhanh chóng dù điện thoại không có sóng.

Cũng chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc máy tính, ông Kiệt có thể kiểm tra, giám sát một cách chính xác từng cung đường, quãng đường di chuyển của lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. “Việc áp dụng công nghệ giúp quản lý, chia sẻ dữ liệu rất thuận lợi trên nền tảng dữ liệu số, góp phần tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí nhân công, chi phí đầu tư, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, điều tra, giám sát, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng”, ông Kiệt chia sẻ.

Một trong những nội dung sáng kiến của ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt là ứng dụng GIS trong thực hiện “định lượng đa dạng sinh học và trữ lượng carbon của rừng ngập mặn Cần Giờ” đã được UBND TPHCM công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng tại thành phố năm 2019 tại Quyết định 1932/QĐ-UBND ngày 3-6-2020. Đây cũng là nội dung được UBND TPHCM công nhận đạt giải ba, Giải thưởng Môi trường TPHCM lần thứ 4 vào ngày 21-2-2023.

Các phần mềm được ông Kiệt xây dựng theo phương châm không đòi hỏi người sử dụng có trình độ hoặc sự am hiểu về kiến thức kỹ thuật chuyên môn, mà chỉ cần thao tác theo hướng dẫn. Do đó, sáng kiến của ông đã được triển khai rộng rãi đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp tuần tra, các hộ dân bảo vệ rừng. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức của đơn vị, đồng thời góp phần nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nói chung và hệ sinh thái rừng ngập mặn huyện Cần Giờ nói riêng.

Đánh giá việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong tương lai không còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là về chuyên môn, ông Kiệt cho biết, phần lớn các cơ quan, tổ chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp đều có xu hướng nâng cao việc ứng dụng GIS trong công tác của đơn vị. Việc trao đổi thông tin, học hỏi, cập nhật công nghệ này là một phần quan trọng giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục