Malaysia đã có những chương trình hành động tập trung vào các lĩnh vực kinh tế ưu tiên cao cho cải thiện năng suất, tăng cường kỹ năng và hấp thụ công nghệ... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, lần đầu tiên quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận năng suất lao động giảm đáng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Những lĩnh vực mà sáng kiến AiF tập trung vào là điện và điện tử (E&E), ô tô, hóa chất, vật liệu tiên tiến, khoa học đời sống và công nghệ y tế. Phát biểu tại lễ công bố sáng kiến việc làm dành cho thanh niên, Bộ trưởng cấp cao kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) Mohamed Azmin Ali cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2022, 20.000 cơ hội việc làm yêu cầu có kỹ năng cao đã được tạo ra thông qua AiF.
AiF là sáng kiến của Tập đoàn Năng suất Malaysia (MPC), giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và phát triển nhân sự tay nghề cao trong giới trẻ, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai. Quốc gia Đông Nam Á này đang định hướng trở thành quốc gia có năng suất cao, do đó lực lượng lao động bản địa cần được chuẩn bị với kỹ năng cao phù hợp, đáp ứng nhu cầu của ngành. Trong đó, những cơ hội việc làm tay nghề cao sẽ dành cho tất cả các nhóm thanh niên, kể cả người sinh sống ở nông thôn. Một khi kỹ năng được cải thiện, năng suất cũng tăng lên và có thể tạo lợi nhuận cao hơn. Như vậy, lương và thu nhập của từng lao động có thể tăng lên.
Để đảm bảo Malaysia tiếp tục là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài, MITI có trách nhiệm cung cấp đội ngũ nhân sự tài năng, có kỹ năng và am hiểu công nghệ cao. Theo ông Azmin Ali, điều này phù hợp với yêu cầu cải thiện, tái nâng cao kỹ năng, cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của quốc gia Đông Nam Á này, đảm bảo đáp ứng với đòi hỏi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó dự kiến năng suất tăng lên 30% trong các lĩnh vực vào năm 2030.
Xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia là bước đầu tiên quan trọng đối với mỗi quốc gia mong muốn cải thiện năng suất đột phá và có tính chiến lược lâu dài. Với Malaysia, năng suất là yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng dài hạn.
Tờ The Sun dẫn lời Tổng Giám đốc MPC, ông Datuk Abdul Latif Abu Seman, cho biết, về lâu dài, điều này góp phần đạt được mục tiêu tăng 40% lương thưởng cho người lao động, như Kế hoạch Malaysia lần thứ 12. Ông Abdul Latif cũng cho biết, năng suất quốc gia sau khi giảm 5,4% trong năm 2020 đã trở lại tăng trưởng dương với tốc độ 1,8% vào năm 2021 và năng suất lao động trên mỗi công nhân tăng 2,7%.
Chính phủ Malaysia cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ kỹ thuật số trong việc thúc đẩy năng suất lao động. Malaysia đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số khi nước này lập biểu đồ hiện thực hóa chương trình nghị sự Malaysia 5.0, đồng thời hướng tới trở thành trái tim ASEAN số.