Vì việc tìm kịch bản chất lượng gặp nhiều khó khăn nên tết năm nay các sân khấu kịch xã hội hóa (XHH) chỉ cho ra mắt hơn 10 vở: Ác nhân cốc và Mưu bà Tú (Sân khấu kịch Idecaf), Mút chỉ mút cà tha và Tình yêu trời đánh (Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), Ngẫm Kiều và Bạch Xà truyện (Sân khấu kịch Hồng Vân)… Trong đó, có một số vở là kịch bản cũ, được chọn dựng lại theo phiên bản mới với sự đầu tư chăm chút thêm về kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng. Kịch bản hiếm, ít vở mới, song các sân khấu vẫn không quá lo vì mỗi sân khấu đều có một phong cách và lượng khán giả riêng.
Thế nhưng, khi thông tin về Covid-19 ngày càng gây lo lắng, các ông bà bầu thấp thỏm lo lắng không yên, băn khoăn trước việc nên sáng đèn hay đóng cửa sân khấu. Nhưng khi khán giả vẫn còn tìm đến sân khấu thì vẫn phải sáng đèn.
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều sân khấu XHH rất lo lắng trước Covid-19. Tuy nhiên, khi mỗi suất diễn lên sàn, khán giả vẫn dành trọn yêu thương, thưởng thức trọn vẹn các vở, vậy nên chúng tôi không thể trả vé”.
Bên cạnh vấn đề kinh tế quyết định sự tồn vong của một sàn diễn, việc tìm kiếm kịch bản hay, chất lượng ngày càng khó cũng như việc giữ chân diễn viên bằng thu nhập của sàn diễn kịch nói là nan giải. Một số sân khấu kịch XHH hiện nay không thể tập hợp được diễn viên giỏi nghề.
“Không ít diễn viên nhận vai rồi, sau đó lại nhận được show phim ảnh, chương trình bên ngoài cát sê cao, vậy là họ bỏ mình, nhiều khi khiến cả ê kíp phải chật vật chờ đợi tìm người thay thế, mất nhiều thời gian, công sức, anh em dễ nản. Chúng tôi xác định, sẵn sàng tìm người khác thay thế nếu diễn viên từ chối cộng tác vì một lý do nào đó”, NSƯT Mỹ Uyên ưu tư.
Ngoài ra, vấn đề số lượng, lứa tuổi, nhu cầu giải trí của khán giả sân khấu kịch hôm nay cũng có nhiều biến động. Nếu các sàn diễn kịch nói XHH không nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, nhu cầu của người xem kịch, không thể tạo tác phẩm dễ tiếp cận khán giả, người xem sẽ “bỏ rơi” kịch nói.
Khán giả Ngọc Phương (ngụ quận 3, TPHCM) cho rằng: “Chúng tôi mong các sân khấu kịch có sự đầu tư nhiều hơn về chất lượng vở diễn, cập nhật tính thời sự, chú ý nội dung câu chuyện chuyển tải và quan trọng là tài năng diễn xuất của diễn viên. Thực tế, vẫn có không ít vở kịch chưa hay, nội dung không logic, không theo kịp sự phát triển của thời cuộc, vẫn được dựng và diễn, khiến người xem cảm thấy sàn diễn cũ kỹ và không hấp dẫn”.
NSƯT Thành Hội chia sẻ: “Áp lực lớn với chúng tôi hiện nay là việc tìm được kịch bản hay quá khó. Dù vở diễn được khán giả chào đón nhưng tuổi đời các vở chỉ ngắn chừng 2-3 tháng và suất nào chỉ bán được vài ba chục vé thì chúng tôi buộc phải hủy buổi diễn. Sân khấu như đứa con, giờ thì 10 tuổi rồi, nhưng mỗi ngày tôi vẫn phải lo sợ “con” mình không khỏe, trụ không nổi. Những người khai sinh sân khấu Hoàng Thái Thanh đã sống trong nỗi lo sợ ấy 10 năm qua. Sân khấu là một công ty thực sự với đầy đủ các ban bệ hoạt động chuyên nghiệp và mỗi cuối tháng, chúng tôi phải tính toán làm sao có 400 triệu đồng để chi trả cho tất cả các khoản chi phí. Thật quá áp lực đối với người làm nghệ thuật, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng hàng ngày với sự cộng hưởng và ủng hộ nhiệt thành từ anh em nghệ sĩ, diễn viên và khán giả”.
Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, các sân khấu kịch XHH vẫn cứ phải bù lỗ hàng đêm thì câu chuyện không thể tự thân sân khấu giải quyết được, mà phải là một chủ trương của thành phố nhằm bảo vệ và duy trì loại hình này.