Sang chảnh hay hài hòa?

Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội đến kênh bán hàng trực tuyến, nhiều người dùng đi từ ngạc nhiên đến thích thú trước tài khoản T.C. bán hàng xa xỉ với mức giá từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng cho một đồ dùng trong gia đình đơn giản như: cây gắp nước đá, lọ hoa, chén, dĩa, nến thơm…

Câu chuyện này còn trở thành xu hướng được tìm kiếm hàng đầu trên các trang mạng xã hội, các bài viết ăn theo cái chén giá vài chục triệu đồng, lọ cắm hoa giá gần 300 triệu đồng nhanh chóng xếp vào nội dung thịnh hành, thu hút người theo dõi. Tính đến cuối tháng 1-2024, tài khoản T.C. trên nền tảng chia sẻ video TikTok có hơn 1,9 triệu lượt theo dõi và 30,5 triệu lượt thích. Phiên livestream (phát trực tiếp) đầu tiên của T.C. trở thành sự kiện chú ý cho giới làm sáng tạo nội dung số khi thu hút hàng triệu lượt người xem.

Ý kiến “Không dạy người giàu cách tiêu tiền” cũng không có gì sai, bởi những món đồ sang chảnh có phân khúc khách hàng của riêng nó, dù chỉ chiếm 1% hay 0,1% so với thị trường chung. Nhưng chiều ý kiến ngược lại cũng chính là vấn đề đáng suy ngẫm trong lối sống phổ biến hiện nay của một bộ phận bạn trẻ…

Liệu chúng ta có cần một thái độ sống xoay quanh những món hàng, dịch vụ sang chảnh khi ngoài kia tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khó khăn thấy rõ, nhiều người còn đang thắt lưng buộc bụng. Không là sai khi chọn cho mình cách sống sang chảnh, hào nhoáng, nhưng với người làm sáng tạo nội dung số, mỗi video, hình ảnh, bài viết của các bạn tính bằng triệu lượt xem, lượt thích; điều này có nghĩa sẽ có nhiều người tiếp cận nội dung các bạn đưa ra, trách nhiệm trong chia sẻ nội dung chính là câu trả lời bền vững cho đường dài sáng tạo nội dung trực tuyến. Bởi người dùng trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay đa phần là giới trẻ, nếu chỉ hướng con người ta đến những gì xa xỉ, mà quên các giá trị nhân văn, thì đời sống tinh thần chắc chắn sẽ thiếu cân bằng. Sản phẩm xa xỉ là có thật, và lượng người sở hữu các món đồ ấy cũng có thật, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ngày ngày livestream “đập hộp” từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng chỉ cho việc mua sắm hàng hiệu.

Người trẻ khi tiếp cận với những nội dung xa xỉ trên các nền tảng trực tuyến cần một thái độ tỉnh táo, bởi rất có thể đó chỉ là món đồ mượn, thuê thậm chí hàng fake (hàng nhái) để người ta cố tình câu view. Sống sang chảnh, tối giản hay hài hòa là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân, nhưng người tử tế thì chẳng ai cổ vũ lối sống xa xỉ một cách không cần thiết, khi quanh mình nhiều người phải thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh khó khăn chung.

Tin cùng chuyên mục